Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Thị xã Mường Lay nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 102 km. Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu; phía Đông, phía Nam và Tây Nam giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ, Thị xã Mường Lay ngày nay thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc châu Lâm Tây; thời Trần thuộc lộ Đà Giang; thời Lê Lợi thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây. Phủ An Tây có 10 châu, Thị xã Mường Lay hiện nay thuộc Châu Lai của phủ An Tây.

Châu Lai theo Nhất thống chí: Đông giáp châu Luân, Tây giáp Nam Chướng (Lào), Nam giáp châu Ninh Biên, Bắc giáp châu Quảng Lăng (Trung Quốc).

Theo Hưng Hóa xứ phong thổ lục của Hoàng Bình Chính "Châu Lai thổ âm là Mường Lai, phía trên giáp châu Quảng Lăng (Trung Quốc), phía dưới giáp châu Quỳnh Nhai, phía Đông giáp châu Ninh Biên[1], phía Tây giáp châu Chiêu Tấn[2]. Họ Điêu (Đèo) đời đời làm phụ đạo". Nhìn vào bản đồ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay thì Châu Lai thời Lê Cảnh Hưng gồm các huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và Thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên[3].

Năm 1841, nhà Nguyễn lấy đất các châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Châu Lai lập thành phủ Điện Biên. Châu Lai thuộc phủ Điện Biên.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta song mãi đến tháng 4-1890 chúng mới chiếm được Lai Châu, trong đó có Châu Lai. Ngày 20-8-1891 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đạo quan binh thứ 4, thủ phủ của Đạo quan binh thứ 4 đặt tại Sơn La nên gọi là Đạo quan binh thứ 4 Sơn La[4]. Sau đó Đạo quan binh thứ 4 tách thành Tiểu quân khu Vạn Bú (gồm phủ Vạn Yên với châu Mộc, châu Phù Yên; phủ Sơn La với các châu: Sơn La, châu Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên) và Tiểu quân khu Lai Châu gồm: Châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Phong Thổ.

Ngày 10-10-1895, tỉnh Vạn Bú được thành lập gồm phủ Vạn Yên với châu Mộc và châu Phù Yên; phủ Sơn La với các châu: Châu Sơn La, châu Yên, châu Mai Sơn, châu Thuận, châu Tuần Giáo, châu Điện Biên (thuộc Tiểu quân khu Vạn Bú); châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Phong Thổ (thuộc Tiểu quân khu Lai Châu). Đến ngày 23-8-1904, tỉnh Vạn Bú được đổi thành tỉnh Sơn La.

Ngày 28-6-1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai[5], Điện Biên, Tuần Giáo, Châu Lai, Luân Châu[6]của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu[7].

Ngày 27-3-1916 thực dân Pháp thành lập Đạo quan binh thứ 4 Lai Châu gồm: Châu Lai, châu Quỳnh Nhai, Sở Đại lý và châu Điện Biên; các khu biên giới phía Bắc gồm Mường Tè, Mường Nhé, Mường Bum và Mao Xà Phình (Sình Hồ)[8]. Châu Lai có 1 tổng (Luân Châu), 35 xã, 134 bản[9].

Ngày 10-10-1949, Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu ra đời. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Ngày 1-8-1950, chi bộ Đảng huyện Tuần Giáo được thành lập, theo sự phân công của Ban cán sự Đảng tỉnh, huyện Châu Lai do chi bộ Tuần Giáo phụ trách; ngày 1-8-1951, liên Ban cán sự Đảng huyện Tuần Giáo - Châu Lai (Tuần - Lai) được thành lập, Châu Lai do liên Ban cán sự Đảng Tuần - Lai trực tiếp lãnh đạo.

Ngày 12-12-1953, huyện Châu Lai và thị trấn Mường Lay[10] được bộ đội chủ lực giải phóng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Đồng bào các dân tộc của huyện đã được hưởng tự do, hòa bình. Do địa bàn hoạt động rộng, cán bộ ít nên Ban cán sự Đảng liên huyện Tuần - Lai không đảm đương được địa bàn mới, do đó Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu quyết định tách Ban cán sự Đảng liên huyện Tuần - Lai thành Ban cán sự Đảng huyện Tuần Giáo và Ban chi uỷ huyện Mường Lay[11].

Ngày 29-4-1955, Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập gồm 16 châu[12], châu Mường Lay trực thuộc khu tự trị Thái - Mèo vì không có cấp hành chính tỉnh.

Từ ngày 24 đến 27-10-1962, kỳ họp thứ V Quốc hội khóa II nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; thành lập lại hai tỉnh Sơn La, Lai Châu và một tỉnh mới Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu gồm 7 huyện[13]: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa[14], Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ[15], Sình Hồ.

Tỉnh Lai Châu được tái lập, thị trấn Mường Lay trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Ngày 17-12-1963, tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân huyện Mường Lay khóa III và ngày 24-12-1963, tại kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa II đã nhất trí chuyển thị trấn Mường Lay của huyện Mường Lay trực thuộc tỉnh và đặt tên là thị trấn Lai Châu.

Ngày 3-4-1964, Bộ Nội vụ ra Công văn số 1222/CQĐG về việc đồng ý chuyển thị trấn Mường Lay của huyện Mường Lay trực thuộc tỉnh Lai Châu quản lý, đặt tên là thị trấn Lai Châu.

Ngày 28-8-1964, Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu ra Quyết định số 664/TCCB về việc chuyển thị trấn Mường Lay của huyện Mường Lay trực thuộc tỉnh quản lý[16], đặt tên là thị trấn Lai Châu[17] kể từ ngày 2-9-1964.

Ngày 8-10-1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập Thị xã Lai Châu[18] thuộc tỉnh Lai Châu. Thị xã Lai Châu gồm: Thị trấn Lai Châu, xã Lay Cang (trừ bản Pháy Mảy sẽ sáp nhập vào xã Sá Tổng, huyện Mường Lay), xã Lay Tở (trừ bản Nậm Ty sẽ sáp nhập vào xã Nậm Hàng, huyện Mường Lay) và bản Nậm Cản (xã Lay Nưa) thuộc huyện Mường Lay. Diện tích tự nhiên 84,36 km2.

Từ ngày 21 đến 26-10-2003, kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Thị xã Lai Châu là một trong 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên[19] với diện tích 8.436 ha, 10.755 nhân khẩu. Có 3 đơn vị hành chính: Phường Na Lay, phường Lê Lợi và phường Sông Đà.

Ngày 2-1-2004, Chính phủ ra Nghị định số 01/2004/NĐ-CP giải thể phường Lê Lợi của Thị xã Lai Châu để thành lập xã Lê Lợi, sáp nhập xã Lê Lợi vào huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau khi điều chỉnh, Thị xã Lai Châu còn lại 5.236 ha diện tích tự nhiên và 9.279 nhân khẩu, có 2 đơn vị hành chính trực thuộc là phường Na Lay và phường Sông Đà [20].

Ngày 2-3-2005, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về việc "điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên Thị xã Lai Châu thành Thị xã Mường Lay". Nghị định nêu rõ: Nay điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng Thị xã Lai Châu và đổi tên Thị xã Lai Châu thành Thị xã Mường Lay. Chuyển toàn bộ 6.167,50 ha diện tích tự nhiên và 4.428 nhân khẩu của xã Lay Nưa thuộc huyện Mường Lay về Thị xã Lai Châu quản lý. Sau khi điều chỉnh, Thị xã Mường Lay có 3 đơn vị hành chính: 2 phường (Na Lay, Sông Đà), 1 xã (Lay Nưa), với diện tích tự nhiên 11.403,50 ha và 14.379 nhân khẩu.

Một quá trình dài với những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi nhưng địa danh Châu Lai - thị trấn Mường Lay - thị trấn Lai Châu - Thị xã Lai Châu - Thị xã Mường Lay vẫn trường tồn với thời gian và lịch sử.

                                                                                           Nguồn Cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã Mường Lay

[1]. Sau đổi là Điện Biên.

[2]. Sau đổi là Phong Thổ.

[3]. Nguyễn Khắc Xương "Về vùng đất đai phủ An Tây trấn Hưng Hóa thời Lê Mạt", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tháng 1-1985.

[4]. Đến ngày 3-10-1896, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển đạo lỵ của Đạo quan binh thứ  4 về Lào Cai.

[5]. Quỳnh Nhai thuộc tỉnh Lai Châu từ 1909 đến 1954, từ 1955 - 1962 thuộc khu tự trị Tây Bắc, từ 1963 đến nay thuộc tỉnh Sơn La.

[6]. Nay là Mường Mùn, huyện Tuần Giáo.

[7]. Nghị định số 1532 của Toàn quyền Đông Dương, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội. 

[8]. Theo Quyết định số 13-CP, ngày 4-2-1967 của HĐCP, huyện Sình Hồ được đổi tên thành huyện Sìn Hồ.

[9]. Theo tài liệu của Pháp lưu trữ tại trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội thì Đạo de Lai (tức Châu Lai) gồm có có 1 tổng (Luân Châu), 35 xã, 134 bản.Những bảnnằm trong khu vực xãMường Lai (Thị xã Mường Lay hiện nay) gồm: bản Xá, bản Tạo É, bản Đớ, bản Chi Luông, bản Bó, bản Tông, bản Hốc, bản Na Chát, bản Ho Chà Ké, bản Na Nát, bản Nậm Cản, bản Na Ca, bản Pong, bản Pô, bản Bắc Pay, bản Mo, bản Na Ổ, bản Ho Cang, bản Tạo Sen, bản Mớ, bản Son, bản Ho Luông, bản Lé, bản Ló, bản Na Tung.

[10]. Tài liệu lúc đó gọi là thị xã Lai Châu.

[11]. Theo báo cáo số 15, ngày 7-12-1954 của Ban cán sự Đảng Lai Châu lúc đó tỉnh Lai Châu có 6 huyện thì 3 huyện đã thành lập được Ban cán sự Đảng là: Tuần Giáo, Điện Biên, Quỳnh Nhai; còn 3 huyện: Mường Tè, Sình Hồ, Mường Lay mới chỉ có Ban chi uỷ.

[12]. Đó là các châu: Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Sông Mã, Phong Thổ, Văn Chấn, Than Uyên, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên.

[13]. Công báo của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 31-12-1962. Trung tâm lưu trữ quốc gia III Hà Nội.

[14]. Huyện Tủa Chùa được thành lập theo Nghị định số 606, ngày 18-10-1955 của Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

[15]. Huyện Phong Thổ trước năm 1954 thuộc tỉnh Lào Cai, từ năm 1955 đến 1962 thuộc khu tự trị Thái - Mèo, từ  năm 1963 đến 2003 thuộc tỉnh Lai Châu (cũ), từ ngày 1-1-2004 thuộc tỉnh Lai Châu (mới).

[16]. Đến ngày 23-2-1977, Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 612-CP về thành lập thị trấn Mường Lay, thuộc huyện Mường Lay.

[17]. Quyết định số 664, ngày 28-8-1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ thuộc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên.

[18]. Công báo số 18, ngày 15-10-1971 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

[19]. Bao gồm các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Lay, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa và Thị xã Lai Châu, thành phố Điện Biên Phủ.

[20]. Nghị định số 02/2004/NĐ-CP, ngày 2-1-2004.

Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 998.187
Online: 55