Nằm ở phía Bắc của tỉnh, thị xã Mường Lay là nơi sinh sống của 9 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm tới trên 70% dân số của thị xã. Người Thái trắng sinh sống trong khu vực này từ rất lâu đời, đã tạo nên ở đây một vùng văn hóa mang màu sắc riêng. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa cùng với tác động của các trào lưu văn hóa hiện đại du nhập vào nước ta, đang làm cho những giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đất này bị mai một. Từ 2005 tới nay, thực hiện công tác tái định cư thủy điện Sơn La, quy hoạch đô thị của thị xã bị thay đổi hoàn toàn, điều này cũng tác động không nhỏ đến việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa có giá trị của khu vực.
Như chúng ta đã biết, di sản văn hóa của một vùng đất, gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, là kết tinh tinh thần và trí tuệ của cộng đồng dân tộc sống trên vùng đất đó, làm nên bản sắc riêng, được nhân dân gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đó là những giá trị đã được khẳng định qua thời gian, sẽ trở thành sức mạnh giúp cho một cộng đồng dân tộc phát triển bền vững trong tương lai. Nhưng trong quá trình phát triển và hội nhập, cái truyền thống rất dễ bị phai mờ trước những cái ngoại lai mới du nhập, nếu người ta không biết gìn giữ, trân trọng. Đó là điều mà những người làm văn hóa và yêu văn hóa truyền thống luôn trăn trở. Trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, thị xã Mường Lay từng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của khu vực Tây Bắc. Minh chứng là những di tích phản ánh lịch sử của vùng đất này như: quần thể di tích lịch sử nhà tù Lai Châu, khu hành chính, khu nghỉ mát do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long. Bên cạnh các di tích lịch sử ấy, là những phong tục, tập quán và lễ hội như: Kin Pang Then, Kin Khúi, Lễ hội mừng cơm mới, được nhân dân gìn giữ, cho thấy vẻ đẹp tinh thần của con người nơi đây. Tuy nhiên những năm gần đây, các di sản văn hóa ấy đang dần bị mai một, có những di sản chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của con người.
|
Ngôi biệt thự nhìn thấy cảnh tầu thuyền tấp nập của vua người Thái - Đèo Văn Long, giờ chỉ còn là phế tích (Nguồn: Iternet) |
Từ những năm 60 của thế kỷ trước đến trước năm 2003, thị xã Mường Lay là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Lai Châu. Từ năm 2005 đến nay, thị xã lại bước vào công cuộc tái thiết phục vụ yêu cầu tái định cư thủy điện Sơn La. Thị xã nhỏ nhất trên toàn quốc này đang từng bước được hiện đại hóa, tương lai sẽ trở thành một đô thị có tầm vóc ở khu vực Tây Bắc. Đó là sự phát triển đáng mừng, nhưng cũng sẽ là thách thức đối với việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống. Sự du nhập của những luồng văn hóa ngoại lai bằng nhiều cách khác nhau, cùng với quá trình hiện đại hóa đô thị, làm mất đi không gian văn hóa bản làng truyền thống, làm thay đổi kiến trúc đô thị, cũng đã làm phai mờ dần các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc ở Mường Lay, mà cụ thể là sự mai một của những lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa.
Khi nhịp sống ở các đô thị đang thay đổi hàng ngày, và quá trình hiện đại hóa đô thị nhanh chóng đẩy người nông dân Mường Lay vào chỗ mất đất sản xuất, khiến họ phải tìm nhiều cách khác nhau để kiếm sống, thì có nghĩa là các quan hệ sản xuất truyền thống cũng sẽ thay đổi. Mặt khác, không gian sống ở đô thị ngày nay hạn chế hơn rất nhiều so với không gian sống của người dân trong các bản làng cũ. Do đó các truyền thống cũ, lề lối cũ và các sinh hoạt cộng đồng trước đây, cũng có nguy cơ bị mất đi một cách nhanh chóng. Ông Đào Chí Quyên, tổ 4, phường Na Lay, người sinh sống tại thị xã Mường Lay từ những năm 60 của thế kỷ trước cho biết, ông thấy trong vòng từ 15-20 năm trở về đây, cùng với quá trình hiện đại hóa đô thị, nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Mường Lay đang dần thay đổi.
|
Hạn Khuống là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo của người Thái giờ cũng không còn được duy trì thường xuyên (Ảnh minh họa) |
Còn dưới góc nhìn của một người quản lý văn hóa, bà Trần Thị Hương Giang, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Mường Lay cho biết: “Nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc trên địa bàn thị xã đang có chiều hướng mai một rất nhiều. Ví như tiếng nói của dân tộc Thái tuy vẫn được sử dụng hàng ngày nhưng không sử dụng nhiều; đối với chữ viết thì chỉ còn một số người già mới biết sử dụng chữ viết của dân tộc; sách Thái cổ giờ đây là không còn; trang phục thì ít nhiều cũng bị pha tạp, cách tân. Ngoài ra, hiện nay nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái khi dựng nhà mới đã không còn làm nhà sàn như trước đây, thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố. Những người làm công tác quản lý văn hóa như chúng tôi hiện đang rất trăn trở về vấn đề này”
Rõ ràng việc quy hoạch lại đô thị ở thị xã Mường Lay hiện nay đang có tác động lớn lên đời sống người dân như: đất sản xuất bị thu hẹp ; không gian sống bị thu hẹp ; không gian văn hóa đô thị bị thay đổi. Những thay đổi trên có tác động lớn tới việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền. Đó là vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi những người quản lý văn hóa ở đây và những nhà quy hoạch đô thị cùng vào cuộc, để làm sao gìn giữ lại những tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc cho muôn đời sau, bởi đó chính là cái gốc cho sự phát triển sau này.
Theo dienbientv.vn