Những năm qua, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã có nhiều nỗ lực dồn điền đổi thửa xây dựng vùng sản xuất chuyên canh và đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng nhằm nâng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và chưa thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp
Hiện tại, bình quân số thửa ruộng/hộ của xã Thanh Xương ở mức rất cao (4,38 thủa/hộ). Nhận thức rõ việc dồn điền là một trong những mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, Thanh Xương đã và đang tích cực tập trung dồn điền đổi thửa ở tất cả các thôn, bản trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2013, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa ruộng.
|
Thực hiện dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho nông dân thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập trên cùng diện tích. |
Để đạt được mục tiêu đề ra, xã Thanh Xương đã chọn 3 đội gồm: đội C17A, C17B, C17C làm thí điểm. Đây là 3 thôn, đội có diện tích đất nông nghiệp manh mún nhất của xã. Hiện tại số hộ có 5 thửa ruộng chiếm 25%; hộ có 4 thửa chiếm trên 40% và số hộ có 3 thửa chiếm 35%. Đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và phân tán không những làm tăng công lao động của nông dân trong quá trình sản xuất do người nông dân phải di chuyển từ đồng này sang đồng khác mà còn gây khó khăn tring triển khai đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng cũng như triển khai các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh. Đây là một bất cập và trên thực tế nông dân tại các đội sản xuất đã sớm nhận ra, nên khi có chủ trương dồn điền đổi thử họ đã tích cực hưởng ứng và đồng tình ủng hộ.
Chị Khổng Thị Hân, đội C17A, xã Thanh Xương phấn khởi tâm sự: Trước đây, gia đình tôi có tổng diện tích đất canh tác 2 vụ lúa là 720m2, nhưng có tới 4 thửa ruộng khác nhau, trong đó thửa có diện tích lớn nhất là 420m2, thửa nhỏ nhất lad 120m2 và năm ở 2 xứ đồng. Do nằm rải rác và cách xa nhau nên khó khăn cho việc điều tiết nước tưới, tiêu trong sản xuất. Bên cạnh đó, khi thu hoạch do phải di chuyển máy móc từ nơi này tới nơi khác nên thời gian thu hoạch cũng lâu hơn. Sau khi được nghe lãnh đạo xã, thôn giải thích lợi ích của việc dồn điền đổi thửa và quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gia đình tôi cũng như bà con trong thôn C17C đã tích cực hưởng ứng và đồng tình ủng hộ chủ trương này. Hiện nay, diện tích đất canh tác của gia đình chị Hân không thay đổi, nhưng được dồn gọn vào một thửa. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn C17C cho biết: Do biết phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chủ động, không trông chờ ỷ lại cấp trên nên trong quá trình triển khai dồn điền đổi thửa thí điểm tại 3 thôn C17A, C17B, C17C đã đạt yêu cầu đề ra. Cán bộ địa chính xã, đội trưởng các đội sản xuất đã thực hiện đo đạc thực địa và thực hiện tốt việc giao ruộng đất cho từng hộ dân, không xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết. Kết quả sau khi dồn điền đổi thửa tại 3 thôn C17A, C17B, C17C cho thấy đã giảm trên 60% số thửa ruộng. Hiện số hộ có 2 thửa chiếm 54%, hộ có 1 thử chiếm 36%. Người dân vui mừng khi được sản xuất trên những thửa ruộng lớn, nhiều hộ còn “mơ” đến một sự đổi thay to lớn trong cách thức làm ăn. Và thực tế, nhiều hộ đã đầu tư cải tạo đồng ruộng, đưa cơ giới hoá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Sự đổi thay về nếp nghĩ và cách làm này sẽ đem lại cho bà con cụoc sống khấm khá, no đủ hơn.
Đi đôi với công tác dồn điền đổi thửa, Thanh Xương còn tích cực triển khai xây dựng đường trục bờ vùng, bờ thửa nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Thanh Xương đã hoàn thành chương trình xây dựng đường trục bờ vùng, bờ thửa tại 5 thôn, đội; hiện tại xã tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến bờ vùng, bờ thửa tại khu vực đội C17A, C17B, C17C , C9a, C9B và C9C.
Có thể khẳng định, việc dồn điền đổi thửa là một chủ trương đúng, không còn là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài mà là nhu cầu sản xuất hiện nay. Bởi đây là bước quan trọng đưa cơ giới hoá cũng như triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào đồng ruộng. Qua đó giúp đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao mức thu nhập cho người dân. Có thể thấy, hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa đã mang lợi ích thiết thực chi người dân xã Thanh Xương và mô hình này rất cần được nhân rộng.
Theo baodienbienphu.com.vn