Sáng 7/3, Trung tâm Nghiên cứu phát triển vùng Dân tộc thiểu số miền núi và Lưu vực sông Hồng, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức Hội thảo “Thanh niên Điện Biên với chương trình xây dựng nông thôn mới”. Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Nhân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Hiện nay, lực lượng thanh niên Điện Biên (từ 16 đến 30 tuổi) chiếm trên 15% dân số, trong đó thanh niên nông thôn chiếm 70%. Nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức, lực lượng thanh niên đã có đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đặc biệt là phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở các cấp trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, vùng cao còn hạn chế, chưa gắn với thực tế và hiệu quả chưa cao. Nằm trong các hoạt động của chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội thảo “Thanh niên Điện Biên với chương trình xây dựng nông thôn mới” là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tăng thêm sự hiểu biết, ý thức từ đó nâng cao vị thế, vai trò của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tế Điện Biên là một tỉnh miền núi, thuần nông, các giáo sư, tiến sĩ đến từ Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn trao đổi, chia sẻ với thanh niên Điện Biên 2 vấn đề chính: “giáo dục là then chốt trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số miền núi” và “làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân - vấn đề cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới”.
Tại hội thảo, những câu hỏi, thắc mắc xung quanh vấn đề xây dựng nông thôn mới của các đoàn viên, thanh niên đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ giải đáp, làm rõ.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng đề nghị: Để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đoàn thanh niên và các cấp đoàn cơ sở cần tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, nhất là đối với thanh niên vùng cao, khu vực nông thôn; động viên thanh niên nông thôn chủ động nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, học nghề; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ thanh niên kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt… ; tăng cường tuyên truyền nội dung chương trình, để mỗi đoàn viên, thanh niên nắm vững các tiêu chí, phần việc của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Theo baodienbienphu.com.vn