Nhà máy thủy điện Sơn La có 6 tổ máy với tổng công suất 2400 MW, mực nước dâng cao trình 215m, cung cấp 10,2 tỷ KWh/năm. Ông Trần Văn Phòng, Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La, cho biết: Đến nay, 4/6 tổ máy đã đi vào vận hành, năm 2011, nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia 5,2 tỷ kWh, bù đắp đáng kể lượng điện năng thiếu hụt, nhất là thời điểm mùa khô. Phấn đấu tổ máy số 5 phát điện vào cuối tháng 4, tổ máy số 6 hoàn thành vào tháng 8 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2012
Đến nay, thuỷ điện Sơn La tích nước lên cao trình 215m, diện tích lưu vực của lòng hồ phủ rộng 43.760 km2, thuộc địa phận của 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Hồ thủy điện Sơn La có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5 km, chiều dài lòng hồ tính từ điểm đập ngăn tại địa phận thị trấn Ít Ong (Mường La) ngược lên phía thượng nguồn thuộc thị xã Mường Lay (Lai Châu) vào khoảng 120 km, dung tích hồ chứa đạt 9,26 tỷ m3 nước. Nhờ đó, khả năng điều tiết nước chống hạn, chống lũ sông Đà được nâng lên, giảm bớt sự tàn phá của thiên tai. Tuyến giao thông đường thuỷ Sơn La - Lai Châu được cải thiện. Thuỷ điện Sơn La trở thành công trình kinh tế, văn hoá, xã hội và du lịch quan trọng của đất nước.
Sự có mặt của thuỷ điện Sơn La cùng với các hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã góp phần bảo vệ cho đồng bằng Bắc bộ trước những trận lũ, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu của Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức xả nước tại các hồ chứa thủy điện để cung cấp nước cho vùng hạ du, nhằm đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Vụ xuân năm nay, 12 tỉnh đồng bằng và Trung du Bắc Bộ có kế hoạch gieo cấy 670.000 ha, chiếm 1/5 diện tích vụ đông xuân cả nước và chiếm từ 60-70% sản lượng lương thực cả năm của toàn vùng, trong đó, diện tích tưới gần 667.600 ha. Đảm bảo nước cho sản xuất, các hồ Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình (hồ Sơn La điều tiết cho hồ Hoà Bình) đã xả khoảng 2,8 tỷ m³ nước, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.
Ông Khương Thế Anh, Phó Giám đốc BQL dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn La, cho biết: Theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 10-2- 2011 của Thủ tướng Chính phủ, quy trình vận hành liên hồ chứa, các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phải điều tiết để phục vụ chống lũ và phát điện theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà; đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du (đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội) và đảm bảo an toàn phát điện.
Để đảm bảo vừa chống lũ an toàn, vừa nâng cao hiệu ích phát điện, quy trình vận hành liên hồ cũng quy định cụ thể việc điều tiết các hồ trong 3 thời kỳ: Thời kỳ lũ sớm (từ 15-6 đến 15-7), thời kỳ lũ chính vụ (từ 16-7 đến 25-8) và thời kỳ lũ muộn (từ 26-8 đến 15-9). Tuy nhiên, quy trình này chỉ phục vụ cho việc điều tiết trong mùa lũ hàng năm đối với 4 hồ. Vì vậy, Công ty thuỷ điện Sơn La đang triển khai xây dựng Quy trình đơn hồ theo phê duyệt của Bộ Công thương, dự kiến sẽ được áp dụng trong mùa lũ năm nay để cụ thể hoá Quy trình liên hồ theo Quyết định 198 và điều tiết trong mùa khô để tối ưu hoá các thuỷ điện trên bậc thang sông Đà (hiện tại có Sơn La, Hoà Bình, Bản Chát, sau này là Lai Châu) cho phát điện và phục vụ cấp nước cho phát triển nông nghiệp của đồng bằng Bắc bộ.
Với sự hiện diện của hồ chứa thuỷ điện Sơn La cùng với các hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang các công trình thủy điện không chỉ cung cấp dòng điện cho quá trình công nghiệp hóa đất nước mà còn ngăn lũ, điều tiết nước cho sản xuất vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ./.\r\n
Theo sonla.gov.vn