Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030 nhằm bày tỏ sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với những người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Điện Biên hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2018.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Điện Biên hoàn thiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ bao gồm: Đồi A1, D1, D3, C1, C2, Hầm Đờ Cát, Cầu Mường Thanh, Đồi E1, Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, Đồi Noong Bua, các sân bay, Cụm cứ điểm Hồng Cúm, Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Khu di tích Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Hồ Chủ tịch.
Trong những năm gần đây, Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến yêu thích của đông đảo nhân dân trong nước và khách quốc tế với những Di tích nổi bật gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại của quân dân ta năm 1954. Từ năm 2009, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành một trong 10 di tích cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước, có giá trị to lớn về mặt lịch sử và di sản./.