Thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay có trên 3.000 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 2.223 hộ nông nghiệp; trong khi đó, diện tích đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản đều bị thu hẹp. Chính vì thế, việc đảm bảo ổn định, nâng cao đời sống và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của đồng bào tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ, chính quyền thị xã.
Để đảm bảo ổn định, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân tái định cư, Đảng bộ, chính quyền thị xã Mường Lay đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tái định cư, đồng thời phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; chú trọng đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh doanh các loại hình thương mại, dịch vụ và chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong tổng số 81 dự án thành phần UBND thị xã Mường Lay được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đến nay thị xã đã triển khai hoàn thành 80 dự án, còn 01 dự án Thủy lợi Phiêng Luông sẽ hoàn thành trong Quý I năm 2016. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời phối hợp với các sở, ngành tỉnh báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các hạng mục để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các dự án hoàn thành, được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn, làm cho diện mạo đô thị thị xã khang trang, hiện đại, phát huy hiệu quả đầu tư. Đặc biệt các công trình thủy lợi (Na Tung, bản Mo, bản Đớ) đã tạo ra cho thị xã được 37,7ha đất khai hoang; thị xã đã giao đất cho các hộ dân, chỉ đạo thực hiện cải tạo đất và triển khai thí điểm các mô hình trồng trọt, nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn.
Cùng với việc cải tạo, tận dụng diện tích đất canh tác, thị xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, triển khai các mô hình trồng trọt, đẩy mạnh công tác khuyến nông- khuyến ngư. 05 năm qua, thị xã Mường Lay đã triển khai được 09 mô hình trồng trọt cho 321 hộ gia đình với trên 642 lao động. Bước đầu, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế và có chiều hướng phát triển tốt như: trồng nấm, trồng rau, gieo cấy lúa trên đất bán ngập… Đối với việc nuôi trồng thủy sản, bên cạnh việc duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao, thị xã đã chỉ đạo, tạo điều kiện để nhân dân tận dụng diện tích mặt hồ mở rộng và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản. Ngoài các mô hình thủy sản nhân dân tự triển khai, thị xã đã thí điểm triển khai 4 mô hình (02 mô hình nuôi cá lồng trên hồ, 01 mô hình cá rô phi đơn tính trong lồng và 01 mô hình nuôi cá hương lên cá giống) trên hồ Nậm Lay cho 30 hộ gia đình. Nhờ vậy, sản lượng khai thác, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản của thị xã đạt 146,78 tấn, tăng 84,7 tấn so với đầu nhiệm kỳ, đạt 208,5% Nghị quyết Đảng bộ thị xã.
Cùng với phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, thị xã Mường Lay quan tâm chỉ đạo phát triển lâm nghiệp, tạo điều kiện để các hộ dân tái định cư ổn định đời sống. Thị xã Mường Lay chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện tốt việc giao đất rừng cho cộng đồng chăm sóc, bảo vệ để hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Đã có 5.304 ha, đất rừng được giao cho 33 cộng đồng chăm sóc, bảo vệ và hưởng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 6 tỷ đồng. Kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống của các hộ gia đình, mặt khác khuyến khích nhân dân bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn.
Ngoài việc tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tái định cư và hộ nông nghiệp, thị xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong nhiệm kỳ qua, thị xã đã đào tạo nghề cho 2.120 lao động, trong đó: Đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 1.975 lao động (1.775 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, 200 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp); số lao động nông nghiệp có việc làm sau học nghề đạt 100%; trên 30% lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp đều có việc làm sau đào tạo.
Đối với phát triển thương mại, dịch vụ, thị xã luôn quan tâm các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời khuyến khích các gia đình phát triển ngành nghề kinh doanh phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Thị xã hiện có 01 trung tâm thương mại, 05 chợ cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn mới được đầu tư là điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Đến nay, thị xã có 19 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã; 01 tổ hợp tác, 01 trang trại tổng hợp, 229 hộ kinh doanh cá thể .... tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp một phần quan trọng vào tỷ trọng kinh tế của thị xã.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân nhất là đồng bào tái định cư, thị xã luôn quan tâm, thực hiện kịp thời chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hỗ trợ y tế, giáo dục, văn hóa... tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đã giảm từ 8,03% năm 2010 xuống còn 5,24% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015).
Đảm bảo ổn định, nâng cao đời sống của người dân tái định cư Thủy điện Sơn La vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của Đảng bộ, chính quyền thị xã Mường Lay. Thị xã Mường Lay đã xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2011-2016 là: Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, thực hiện có hiệu quả cơ cấu kinh tế "Thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp''. Phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, nắm vững thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn tồn tại, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, sớm xây dựng thị xã thành đô thị phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đó, UBND thị xã Mường Lay đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đó là:
Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia đầu tư vào địa bàn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý theo đặc điểm, tình hình thực tế của thị xã; chú trọng đào tạo nghề, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, nhất là từ lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất cho người lao động sau tái định cư.
Tiếp tục duy trì phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và giá trị hàng hóa cao. Tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích đất sản xuất; tăng cường các biện pháp thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất. Lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Áp dụng thí điểm các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và dễ triển khai. Tập trung chỉ đạo và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc phát triển kinh tế, đồng thời quan tâm chăm lo phát triển các mặt văn hóa - xã hội; thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách an sinh xã hội; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, tự lực, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Phát động và thực hiện tốt các phong trào thi đua; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ gìn bắn sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Để nhân dân vùng tái định cư thị xã Mường Lay ổn định đời sống lâu dài, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, cần có chính sách về đầu tư, hỗ trợ sau tái định cư, cũng như có định hướng lâu dài về phát triển kinh tế. UBND thị xã Mường Lay đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La để thị xã có cơ sở triển khai thực hiện.