Khẩu xén là loại bánh truyền thống của dân tộc Thái được chế biến từ gạo nếp hoặc sắn tươi nên có hương vị rất đặc trưng, có thể dùng làm quà hoặc ăn nhẹ. Những năm gần đây, do lượng bánh kẹo hàng hóa khá phong phú trên thị trường nên ở nhiều nơi người Thái không còn làm loại bánh này. Thế nhưng với người Thái ở TX. Mường Lay thì khẩu xén vẫn là loại bánh không thể thiếu trong dịp lễ, tết. Ngoài việc làm để phục vụ nhu cầu của gia đình, nhiều nhà còn làm để bán trong những dịp lễ hội và nhận được phản hồi tốt của thị trường, đặc biệt là khách du lịch. Tuy nhiên khi khách yêu cầu số lượng lớn thì họ không có đủ để cung cấp. Nếu đi gom của nhiều gia đình thì có thể đủ về số lượng nhưng chất lượng lại không đồng đều, hương vị khác nhau…
Phơi bánh - một trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Văn Thành Chương
Xuất phát từ nhu cầu đó, năm 2016 một nhóm hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lay Nưa thành lập mô hình liên kết làm khẩu xén để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau và đưa đặc sản khẩu xén Mường Lay đến với nhiều người hơn. Sau gần 2 năm, mô hình liên kết này bước đầu cho thấy hiệu quả và chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp. Ðến năm 2018, khẩu xén được TX. Mường Lay lựa chọn là sản phẩm đặc trưng của địa phương trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó nhóm liên kết cũng được hưởng một số chính sách hỗ trợ để duy trì ổn định và phát triển sản phẩm thành hàng hóa đặc trưng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ðến năm 2019 nhóm liên kết làm khẩu xén đã sáp nhập vào Hợp tác xã Lay Nưa để có thêm lợi thế trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Sìn Thị Thảo, Trưởng nhóm liên kết cho biết: Khẩu xén thường được người dân ở đây làm từ tháng 10 - 12 âm lịch để phục vụ lễ hội và ăn trong dịp tết. Tuy nhiên khi nhóm liên kết được thành lập và sản phẩm bước đầu được thị trường đón nhận thì chúng tôi sản xuất quanh năm. Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp nương, nếp cẩm, nếp tăm và sắn sẵn có tại địa phương. Hiện nay, ngoài khẩu xén truyền thống chúng tôi còn sản xuất cả chí chọp, cũng là đặc sản của dân tộc Thái và được làm từ ngũ cốc nhưng có quy trình chế biến khác nhau.
Chị Thảo cũng cho biết, để sản phẩm của nhóm liên kết tạo thành thương hiệu có chất lượng ổn định thì mọi thành viên trong nhóm đều phải sản xuất theo một quy trình và nguyên liệu thống nhất. Vì thế hiện nay nhóm có 13 thành viên nhưng sản phẩm của mỗi gia đình đều có chất lượng, hình thức như nhau và khi đưa ra thị trường tất cả được đóng trong bao bì của Hợp tác xã Lay Nưa. Vào mùa lễ hội hoặc khi có hợp đồng lớn, mỗi ngày 1 gia đình hội viên có thể sản xuất từ 10 - 15kg bánh, giá sản phẩm bán ra thị trường hiện nay là 40.000/kg đối với bánh sắn và 60.000 đồng/kg đối với bánh gạo. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hợp tác xã Lay Nưa và nhóm liên kết đã cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn bánh các loại, trong đó khoảng 7 tạ bánh sắn và 13 tạ bánh gạo. Thu nhập trung bình từ làm bánh của mỗi thành viên trong nhóm khoảng trên 40 triệu đồng. Ngoài bán trực tiếp cho khách du lịch và sản xuất theo các hợp đồng thì sản phẩm khẩu xén của nhóm còn được bán trực tuyến trên mạng xã hội facebook và các trang bán hàng online.
Hiện nay UBND TX. Mường Lay đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì để đặc sản của địa phương có hình thức bắt mắt và chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tiêu chuẩn OCOP và yêu cầu của thị trường. Tin rằng đặc sản của Mường Lay sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.