Thị xã Mường Lay là thị xã vùng cao, nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 100 km; Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu; phía Đông, phía Nam và Tây Nam giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
50 năm trước, trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, đưa máy bay ra bắn phá Miền bắc, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường Miền nam. Trước yêu cầu phát triển của cách mạng của tỉnh nhà, thể theo nguyện vọng của nhân dân các dân tộc thị trấn Lai Châu, ngày 28-8-1964, Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu ra Quyết định số 664/TCCB về việc chuyển thị trấn Mường Lay của huyện Mường Lay trực thuộc tỉnh quản lý, đặt tên là thị trấn Lai Châu kể từ ngày 2-9-1964.
Ngày 8-10-1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập Thị xã Lai Châu[1] thuộc tỉnh Lai Châu. Thị xã Lai Châu gồm: Thị trấn Lai Châu, xã Lay Cang (trừ bản Pháy Mảy sẽ sáp nhập vào xã Sá Tổng, huyện Mường Lay), xã Lay Tở (trừ bản Nậm Ty sẽ sáp nhập vào xã Nậm Hàng, huyện Mường Lay) và bản Nậm Cản (xã Lay Nưa) thuộc huyện Mường Lay. Diện tích tự nhiên 84,36 km2.
Ngày 2-1-2004, Chính phủ ra Nghị định số 01/2004/NĐ-CP giải thể phường Lê Lợi của Thị xã Lai Châu để thành lập xã Lê Lợi, sáp nhập xã Lê Lợi vào huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau khi điều chỉnh, Thị xã Lai Châu còn lại 5.236 ha diện tích tự nhiên và 9.279 nhân khẩu, có 2 đơn vị hành chính trực thuộc là phường Na Lay và phường Sông Đà.
Ngày 2-3-2005, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về việc "điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên Thị xã Lai Châu thành Thị xã Mường Lay". Nghị định nêu rõ: Nay điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng Thị xã Lai Châu và đổi tên Thị xã Lai Châu thành Thị xã Mường Lay. Chuyển toàn bộ 6.167,50 ha diện tích tự nhiên và 4.428 nhân khẩu của xã Lay Nưa thuộc huyện Mường Lay về Thị xã Lai Châu quản lý. Sau khi điều chỉnh, Thị xã Mường Lay có 3 đơn vị hành chính: 2 phường (Na Lay, Sông Đà), 1 xã (Lay Nưa), với diện tích tự nhiên 11.403,50 ha và 14.379 nhân khẩu.
Giai đoạn từ 1986-1996, thị xã phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên sản xuất lương thực, thực phẩm, chuyển mạnh khâu lưu thông phân phối, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - văn hóa với quốc phòng, an ninh; là một trong những đơn vị đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh; nhiều mô hình sản suất kinh doanh, làm kinh tế xuất hiện; nhiều năm liền thị xã đạt được mức tăng trưởng kinh tế khá, an ninh chính trị được giữ vững, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội ngày càng chuyển biến quan trọng. Thị xã xứng đáng và giữ vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội của tỉnh Lai Châu cũ.
Từ năm 1990 đến năm 1996, thị xã có nhiều biến động: thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp; nặng nề nhất là hai cơn lũ lịch sử năm 1990 và năm 1996 đã gây thiệt hại lớn vềngười, tài sản của nhà nước và nhân dân; phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng cũng như công sức bao năm dày công gây dựng. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã đã chỉ đạo tập trung dồn sức vào khắc phục hậu quả, cứu người tài sản, vượt khó đi lên từng bước ổn định cuộc sống.
Từ năm 2005-2015 thị xã bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức nhưng cũng là thời cơ mới: Thực hiện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La, xây dựng tái thiết đô thị mới. Đây cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng: “Vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Vừa thực hiện di dân tái định cư – xây dựng tái thiết đô thị”. Thị xã đã tập trung lãnh đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và quyết tâm phấn đấu thực hiện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện với tinh thần thi đua yêu nước, “ Yêu nước là di dân tái định cư”; “Tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”… Thành công lớn nhất trong di dân tái định cư tại thị xã Mường Lay là việc di chuyển hàng nghìn hộ dân nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; không có điểm nóng, đảm bảo đúng tiến độ thực hiện dự án không để xảy ra tình trạng cưỡng chế; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bộ mặt của thị xã ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang hơn, đồng bộ hơn, đời sống nhân dân ngày càng ổn định và được nâng lên.
Thị xã Mường Lay sau tái định cư dự án Thủy điện Sơn La
50 năm qua, với 14 kỳ Đại hội, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phong trào cách mạng phù hợp với thực tiễn địa phương, đưa Mường Lay đi lên và ngày một phát triển vững chắc. Đảng bộ và nhân dân Mường Lay đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân thị xã đoàn kết vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:Thu nhập bình quân đầu người đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng; Cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực đến năm 2020 cơ bản chuyển dịch theo định hướng đã xác định: Thương mại, dịch vụ, du lịch: 57,97%; nông, lâm nghiệp thủy sản: 14%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng: 28,21%, Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2020 là 9.728 triệu đồng.
Tổng sản lượng lương thực trung bình hàng năm thực hiện đạt trên3.251 tấn (gấp 8 lần so với năm 1971); cơ bản đáp ứng nhu cầu trên địa bàn và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận nhân dân. tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65,09%. Sự nghiệp Giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên về mọi mặt, Trường học đạt chuẩn quốc gia 13/13 trường, đạt 100%, Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo, không có dịch bệnh lớn xảy ra, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện tốt; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Nhiệm kỳ 2020-2025 thị xã tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Phát huy các tiềm năng thế mạnh, nắm vững thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; gắn quản lý đô thị, tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thị xã, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng địa giới hành chính, nâng quy mô của thị xã; xây dựng thị xã Mường Lay đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, đến năm 2025 đạt đô thị loại IV.
Tròn 50 năm hình thành và phát triển, đến với thị xã Mường Lay là đến với thị xã “nhà sàn” trên bến dưới thuyền nằm soi bóng bên hai bờ hồ thơ mộng, với đặc trưng riêng của thị xã miền núi mà không nơi nào có được: “Nhà trong phố, phố trong bản” là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước trong chuỗi du lịch Hà nội- Sa Pa - Điện Biên Phủ.
Một quá trình dài với những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi nhưng địa danh Châu Lai - thị trấn Mường Lay - thị trấn Lai Châu - Thị xã Lai Châu - Thị xã Mường Lay nằm trong dòng chảy lịch sử dân tộc, của tỉnh Điện Biên; thị xã Mường Lay có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng đáng tự hào. Nhân dân Mường Lay vừa lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên vừa đánh giặc ngoại xâm, xây dựng bản làng, hun đúc lên tinh thần yêu quê hương đất nước, cần cù sáng tạo, vượt khó đi lên; cũng là cội nguồn sức mạnh để xây dựng và phát triển thị xã trong 50 năm qua./.