Hoạt động giao dịch tại xã là cách thức tổ chức giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng tại Điểm giao dịch đặt tại Uỷ ban nhân dân xã, phường.
Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Mường Lay đã tổ chức giao dịch tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường (gọi chung là giao dịch xã) để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã.
Hoạt động giao dịch cố định tại xã, phường của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Mường Lay
Đến 28-02-2022, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã triển khai đặt 03/03 Điểm giao dịch xã trên địa bàn đạt 100% số xã, phường trên địa bàn. Thông qua hoạt động giao dịch xã, đã giải quyết 90% tổng giá trị giao dịch của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã với khách hàng. Từ đầu năm đến 28/02/2022 số bút toán giả ngân đạt trên 99%, số bút toán thu nợ đạt trên 89%, số bút toán thu lãi đạt gần 99% trên tổng số bút toán của Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã.
Điểm giao dịch xã là nơi Tổ giao dịch xã của NHCSXH tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn cấp xã theo lịch giao dịch cố định hàng tháng tại mỗi xã, phường ít nhất một lần. Tại các Điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện niêm yết công khai các vấn đề về chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các quy trình, thủ tục của Ngân hàng Chính sách xã hội, danh sách hộ vay vốn và nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng biết để giám sát hoạt động tín dụng chính sách. Tổ giao dịch xã có nhiệm vụ thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng; giải ngân, thu lãi, thu nợ, thu tiền gửi của tổ viên, huy động tiền gửi dân cư. Bên cạnh đó tổ giao dịch xã còn có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hồ sơ xử lý nợ. Thực hiện giao ban với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến, tuyên truyền, triển khai các công việc; đồng thời thông qua giao ban nắm bắt tình hình hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và tình hình của các hộ vay... Thông qua việc giải ngân, thu nợ trực tiếp đến người vay, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm qua Ban quản lý tổ và thực hiện các giao dịch với tổ chức, cá nhân có liên quan. Hoạt động giao dịch tại xã đóng vai trò quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.
Hoạt động giao dịch tại xã là cách thức tác nghiệp của Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ giao dịch với khách hàng tại Điểm giao dịch xã do Tổ giao dịch xã thực hiện, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay; thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.