Xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thị xã, thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh thị xã Mường Lay tích cực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang đến sự tiện lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Vũ Tuấn Long, Phó Giám đốc Agribank thị xã Mường Lay cho biết: “Bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước về chuyển đổi số, thời gian qua Agribank thị xã Mường Lay đã từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến, chú trọng cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần vào việc giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, đi lại cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số Agribank chi nhánh thị xã Mường Lay đã phối hợp, đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương tại các mô hình chuyển đổi số, trong đó tập trung cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong đề án chuyển đổi số như mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ ATM, hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng điện tử, đăng ký dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, viễn thông qua tài khoản ngân hàng, in mã QRPay, VietQR miễn phí đặt tại các quầy thanh toán, các cửa hàng, siêu thị”.
Xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức từ đó dần đưa chuyển đổi số hiện diện trong quản trị, điều hành và mọi hoạt động của ngân hàng nên Agribank chi nhánh thị xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Buôn bán hàng quần áo nhiều năm nay, trước đây việc giao dịch thanh toán của gia đình chị Tạ Thị Thuỷ ở tổ 6 phường Na Lay với khách hàng chủ yếu bằng tiền mặt nên thường xuyên xảy ra tình trạng nhầm lẫn, dễ mất tiền, từ năm 2021 gia đình chị được Agribank chi nhánh thị xã hỗ trợ tạo mã VietQR sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã chị Thuỷ kiểm soát được nguồn tài chính sau mỗi ngày bán hàng cũng như thực hiện việc giao dịch chuyển, nhận tiền hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng. Chị thủy cho hay: “Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet có sử dụng dịch vụ Agribank E-mobile banking thì tôi có thể thanh toán tiền hàng, nhận tiền của khách nhanh chóng không cần tiền mặt, trước đây dịch vụ này chỉ cho chuyển tối đa 50.000.000 đồng nhưng đến nay có thể chuyển tiền lên đến 500.000.000 đồng/1 lượt”.
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Chính phủ xác định: Tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội liên quan hàng ngày tới người dân, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho đời sống, vì vậy cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Thực hiện chủ trương đó Agribank thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có những chính sách ưu đã nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, đến nay Agribank chi nhánh thị xã Mường Lay đã phát hành hơn 12.640 thẻ ATM có tài khoản thanh toán, 53 đơn vị trên địa bàn thực hiện chuyển lương qua tài khoản với trên 6.340 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking và các dịch vụ của Internet Banking giúp khách hàng quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng thông qua các thiết bị kết nối internet như điện thoại, laptop, máy tính bàn; có 1 máy ATM và cấp 66 mã VietQR đến khách hàng để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tích cực chuyển đổi số đã giúp Agribank chi nhánh thị xã mở rộng mô hình kinh doanh phù hợp mang đến sự tiện lợi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, qua đó góp phần quan trọng thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ cũng như Đề án chuyển đổi số của thị xã Mường Lay giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xứng đáng là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế địa phương./.