Thị xã Mường Lay nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100 km với diện tích hơn 11.266 ha. Trung tâm thị xã nằm trong thung lũng hẹp dài, ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Mường Lay được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng nhiều vẻ đẹp mà không phải nơi nào cũng có. Thị xã bao quanh là núi non hùng vĩ, phía dưới dòng sông Đà cuộn chảy, nép mình bên sông là những ngôi nhà sàn mái lợp ngói đá.
Thị xã mang nét đặc trưng của khí hậu vùng Tây Bắc, tiêu biểu cho nơi đất trời sông núi giao hoà. Dân cư chủ yếu là người Thái trắng, những mái nhà sàn của người Thái quần cư vừa cổ xưa với kiến trúc truyền thống vừa hiện đại cùng nếp sống còn lưu giữ đậm đặc chất bản địa.
70 năm sau ngày giải phóng dù trải qua bao thăng trầm, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực từ phía nhân dân, thị xã Mường Lay hôm nay đang “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình vẻ đẹp thuần khiết, thơ mộng mang dáng dấp của một đô thị ven sông với vẻ đẹp “sơn thủy, hữu tình” nằm soi bóng bên lòng hồ thủy điện đã làm nao lòng biết bao người khi đến nơi đây.
Từ khi dòng suối Nậm Lay, sông Nậm Na và sông Đà hợp thành một vùng lòng hồ rộng lớn phục vụ tích nước của Thủy điện Sơn La đã mang lại cho thị xã Mường Lay một khung cảnh không khác gì khu đô thị mới “trên bến, dưới thuyền”, với vẻ đẹp mộng mơ và huyền ảo. Trải dài đôi bờ, soi bóng xuống mặt hồ là dãy nhà sàn được quy hoạch theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của những nếp nhà sàn truyền thống. Những năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ người dân nơi đây nên đời sống bà con đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là từ khi nhường đất cho thủy điện Sơn La, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã rất nỗ lực để bố trí nơi ăn chốn ở mới cho người dân có thể an cư. Hiện nay, đời sống nhân dân dù còn vất vả, nhưng đã khấm khá lên nhiều và ổn định hơn; được thụ hưởng hệ thống hạ tầng giao thông rộng rãi, sạch sẽ nên việc giao thương cũng thuận tiện. Các gia đình đều có nước sạch sử dụng, điện năng tiêu thụ. Trường lớp cũng được kiên cố hóa và ngày càng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho con em được học tập tốt hơn...
Những năm gần đây, Mường Lay đang vươn mình trong xây dựng, phát triển, trong đó thị xã chú trọng phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Mường Lay được biết đến với các sản phẩm du lịch sông nước và lòng hồ thủy điện; du lịch văn hoá; du lịch lịch sử; du lịch khám phá, … Không chỉ giàu sản phẩm văn hóa vật thể, Mường Lay còn rất phong phú văn hóa phi vật thể - những nét văn hóa dân tộc truyền thống như các điệu múa xòe, múa khăn, đàn tính tẩu, văn hóa ẩm thực dân tộc, các môn thể thao truyền thống ném còn, đẩy gậy, lễ Kin Pang Then... Một trong những hoạt động nổi bật là đã khôi phục và tổ chức thường niên Lễ hội Đua thuyền đuôi én trên sông Đà và lần đầu tiên Mường Lay được chọn là địa điểm tổ chức môn thể thao mạo hiểm Dù lượn đã thu hút đông đảo du khách và người dân trong vùng đến với thị xã. Người dân thị xã đã được chiêm ngưỡng những màn bay Dù lượn ấn tượng và đẹp mắt trong những ngày xuân. Ngoài ra đến với Mường Lay du khách còn được trải nghiệm du lịch làng nghề, khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc địa phương, hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những món ăn do tự tay mình thực hiện... những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với mỗi du khách khi đến thị xã Mường Lay. Hiện tại gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch hay phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống hiện nay đang là xu hướng không chỉ góp phần phát triển du lịch xanh bền vững mà còn giúp thị xã Mường Lay chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển dịch vụ du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dù đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã Mường Lay vẫn còn khó khăn nhưng để có thể ổn định cuộc sống trước mắt cũng như phát triển về lâu dài, thị xã đã và đang tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Mường Lay để thu hút, đầu tư phát triển du lịch theo hướng gắn kết vùng miền, khai thác sản phẩm du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thị xã. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của thị xã như các sản phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề truyền thống, văn hóa tâm linh, các giá trị văn hóa, ẩm thực, truyền thống; từng bước khôi phục các di tích lịch sử, khai thác có hiệu quả các danh lam thắng cảnh…
Một số hình ảnh của Mường Lay: