Vào cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên phủ, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động, địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”. Sau một thời gian khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị quân và dân Lai Châu đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh địch, ngày 12/12/1953 Thị trấn Lai Châu trước đây ( thị xã Mường Lay ngày nay) được giải phóng.
Nhân ngày giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên đồng bào và cán bộ Lai Châu, trong thư Người viết: Thân ái gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào. Ngày nay đồng bào được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ. Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng: 1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau. 2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự. 3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no. 4. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng. Cán bộ thì phải thật sự gần gũi, giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Chúc đồng bào và cán bộ mạnh khỏe và cố gắng. Chào thân ái và quyết thắng".
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu nhân ngày giải phóng
Thị xã Lai Châu được giải phóng, thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho bộ đội ta tăng cường lực lượng, bao vây địch từ nhiều hướng, tác chiến thắng lợi trong cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 – 1954) và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đập tan hoàn toàn kế hoạch Na va buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia.
Chuyện Lai Châu chiến thắng được viết trên Báo nhân dân năm 1953
Ngày 8/10/1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập thị xã Lai Châu. Ngày 17/12/1971, Thị ủy Lai châu được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của thị xã, với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lai châu. Sau trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 6/1990, trận lũ ống lớn nhất chưa từng thấy trong lịch sử 70 - 80 năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về tình mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, làm đảo lộn toàn bộ sự hoạt động bình thường của thị xã và cả tỉnh. Ngày 18/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 130/HĐBT về việc thành lập thị xã Điện Biên Phủ và di chuyển tỉnh lỵ từ thị xã Lai Châu về thị xã Điện Biên Phủ, từ đó thị xã Lai Châu chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh. .
Sau khi chia tách tỉnh, năm 2005 thị xã Lai Châu được mở rộng địa giới hành chính và đổi tên thị xã thành thị xã Mường Lay; bước vào thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, tái thiết đô thị. Trong gần 5 năm thi công “nước rút” 2005-2010, thị xã Mường Lay đã hoàn thành việc di dân tái định cư thủy điện Sơn La cho 4.343 hộ dân lên các khu, điểm tái định cư trước tháng 5 năm 2010, sớm hơn 2 tháng so với dự kiến của Chính phủ. Nhìn lại quá trình phát triển với nhiều thăng trầm của thị xã, càng thấy rõ điểm tựa để thị xã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào nhờ tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc ở địa phương.
Khởi công xây dựng khu Tái định cư Nậm Cản
Hiện nay, thị xã Mường Lay có 3 đơn vị hành chính xã, phường; diện tích diện tích 11.266ha; dân số hơn 11.500 người với 9 dân tộc cùng chung sống. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực phục vụ xây dựng và phát triển quê hương, đạt được nhiều thành tựu to lớn và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, đó là tiền đề quan trọng để hôm nay thị xã Mường Lay có một bức tranh kinh tế xã hội với nhiều mảng màu tươi sáng. Kinh tế của thị xã chuyển dịch theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khoá XIV đã xác định “Thương mại, dịch vụ, du lịch”. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/ người/ năm.
Vận động viên bay dù lượn trên đỉnh Huổi Luông
Hiện nay, thị xã có 04 bản đã được công nhận là bản kiểu mẫu; 01 làng nghề truyền thống; 01 sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu năm 2023; 04 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 1 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao...đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân địa phương không ngừng được cải thiện. Thị xã đã tập trung các nguồn lực để phát triển quy hoạch không gian đô thị; xây dựng nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các tiêu chí đô thị thông minh, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện được xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Một góc thị xã Mường Lay
Song song với đó thị xã đã khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hoá các dân tộc. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị đã đổi thay với những công sở được xây dựng khang trang, hiện đại; nhiều công trình dự án được xây dựng. Đặc biệt là những dãy nhà sàn lợp đá của đồng bào Thái trắng soi bóng xuống dòng Đà giang tạo nên một vẻ đẹp của "phố trong bản", "trên bến dưới thuyền" đặc trưng riêng của thị xã Mường Lay. Bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Thị xã Mường Lay đã có 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm di tích lịch sử nhà tù Lai Châu và Pú Vạp, danh lam thắng cảnh Hang động bản Bắc. Lễ Then Kin Pang của người Thái trắng Mường Lay được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia góp phần cùng với Nghệ thuật xoè Thái, thực hành then ở Việt Nam được Unesco đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống được phục dựng thành công, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Từ đó, thông lệ đầu năm, lễ hội đua thuyền đuôi én lại được tổ chức, trở thành hoạt động thể thao, vui chơi của nhân dân.
Vòng xòe đoàn kết trong phần Lễ tế thần sông của Lễ hội đua thuyền đuôi Én
Trong công tác xây dựng đảng, từ Ban Thị ủy lâm thời lúc đầu chỉ có 7 chi bộ, 72 đảng viên, đến nay Đảng bộ thị xã đã phát triển với 35 tổ chức cơ sở đảng, 1.220 đảng viên, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo và tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đưa các mục tiêu phát triển thành hiện thực cuộc sống. Đảng bộ thị xã luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của MTTQ và các đoàn thể, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa đảng với nhân dân.
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XIV
Phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay tiếp tục đoàn kết, chung tay dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng thị xã giàu bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc./.