Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Ngày 09-4-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 951/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Tri thức dân gian nghề làm bánh khẩu xén và chí chọp của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay (Điện Biên) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, Kỹ thuật làm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp truyền thống của người Thái, ngành Thái trắng trên địa bàn thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, cụ thể như sau:

1. Quy trình làm bánh Khẩu Xén

Về nguyên liệu: Bánh Khẩu Xén được làm từ những nguyên liệu đơn giản và dễ chuẩn bị; kết hợp với bàn tay khéo léo của người làm bánh. Nguyên liệu chính là gạo nếp hoặc sắn, ngoài ra còn có các nguyên liệu: Đường, sữa ông thọ, súp, trứng gà, vừng..., gấc, nước lá cây co khẩu cắm, co khẩu đeng, hoa bó phón để tạo màu cho bánh.

Cách chọn nguyên liệu làm bánh: Mỗi nguyên liệu làm bánh Khẩu Xén hay bánh Chí Chọp đều được người Thái, ngành Thái trắng tại thị xã Mường Lay được lựa chọn cẩn thận, kỹ càng, nguyên liệu làm bánh chủ yếu là nông sản chứa nhiều tinh bột: Gạo, sắn; màu sắc của bánh được làm ra từ các nguyên liệu tự nhiên: Cây, lá, hoa, quả đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người mà còn làm cho bánh thơm ngon, chất lượng, đẹp hấp dẫn hơn.

Bánh Khẩu Xén thông thường có 6 màu: Trắng, đỏ, vàng, tím, cam, xanh được tạo ra từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên luôn đảm bảo an toàn khi sử dụng. Màu tím là màu của cây co khẩu cắm, hoặc bằng gạo nếp cẩm, màu đỏ là màu của cây co khẩu đeng, màu vàng là màu của hoa bó phón, màu cam là màu của gấc, màu xanh là màu của lá dứa, còn màu trắng là màu nguyên bản của gạo, sắn.

Các loại lá cây này không chỉ làm đẹp, hấp dẫn, tạo mùi vị riêng cho bánh mà còn có lợi cho sức khỏe của con người, gấc có tác dụng làm sáng mắt, cây co khẩu cắm, co khẩu đeng có tác dụng làm mát gan, hoa bó phón có tác dụng chữa vàng da, đặc biệt mầu sắc trong bánh còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thương, khát vọng cuộc sống no ấm, đủ đầy, phồn thịnh; màu đỏ tượng trưng những ước mơ, khát vọng trong đời sống, màu xanh là màu sắc của núi rừng Tây Bắc, màu vàng tượng trưng cho sự no ấm, đầy đủ, sung túc, màu tím tượng trưng cho sự chung thủy, màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, tình thương yêu.Vì được làm từ nhiều loại nguyên liệu nên bánh Khẩu Xén cũng có nhiều hương vị khác nhau, vị ngọt cho trẻ con, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị dành cho nam giới nhâm nhi bên mâm rượu…

Gạo nếp quyết định 70% độ ngon của bánh, vì thế muốn bánh ngon phải chọn được gạo ngon; gạo được chọn là loại gạo nếp hạt to, mẩy, vỏ ngoài căng bóng, không bị gãy, mủn, thơm mùi lúa mới. Đối với sắn được chọn làm bánh Khẩu Xén phải là sắn tươi (người dân nơi đây gọi là sắn nạc), được trồng trên nương. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sắn sinh trưởng phát triển mạnh, người trồng không cần chăm bón quá nhiều, củ sắn vẫn to, nhiều tinh bột, ăn ngọt, thơm, bở. Sắn được thu hoạch vào buổi sáng để kịp chế biến trong ngày nhằm đảm bảo độ ngọt, thơm và các dinh dưỡng có trong sắn. Các lá cây co khẩu cắm, co khẩu đeng, lá dứa là loại lá còn tươi, bánh tẻ chứa nhiều vitamin, chất xơ, mang lại nhiều lợi ích, sức khỏe cho con người và tạo ra màu đẹp. Gấc là loại gấc nếp, quả nhỏ, nhiều thịt màu đỏ đậm và giầu hoạt chất hơn so với gấc tẻ hoặc các loài gấc khác. Vừng chủ yếu là loại hạt vừng màu trắng hạt nhỏ, đều, óng, có nhiều canxi, sắt nhằm tạo thêm hương vị, dinh dưỡng cho bánh. Sữa được sử dụng là sữa đặc ông thọ, thơm ngon, béo gậy, còn thời hạn sử dụng. Đường là loại đường trắng có nguồn gốc và còn hạn sử dụng. Trứng để làm bánh là trứng gà chứa nhiều vitamin và khoáng chất...sẽ làm cho bánh thơm ngon, nhiều dưỡng chất hơn.

Dụng cụ cơ bản để làm bánh: Chõ đồ Xôi, sắn; cối giã hoặc máy nghiền; ống tre đặc để dàn, tán mỏng bánh; lá chuối để đặt bánh, phên phơi bánh; dao, kéo hay máy cắt bánh...

Chõ đồ Xôi của người Thái, ngành Thái trắng tại thị xã Mường Lay được làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như: Gỗ, đan bằng nan tre. Người làm chõ là người khéo tay, kinh nghiệm lâu năm mới có thể tạo ra những chiếc chõ đồ Xôi bền chắc, đẹp. Trước đây, chõ thường được bà con làm bằng gỗ đục thông hai đầu nhưng hiện nay người dân đã chuyển sang chõ đan bằng nan tre vừa đơn giản lại vừa tiện lợi. Theo phong tục của người Thái Tây Bắc nói chung, ngành Thái trắng tại thị xã Mường Lay nói riêng thường ăn Xôi thay cho cơm tẻ, kèm với rau măng, củ quả được đồ chín trong chõ. Vì thế nhà ai cũng có chõ Xôi, đi kèm cùng chiếc Ninh đồng (có hình trụ, dạng phễu, thắt nhỏ ở giữa, loe ở phần đáy và phần miệng) có tác dụng như là một nồi hơi cung cấp hơi nước nóng để làm chín gạo nếp hoặc thức ăn ở trong chõ. Không những vậy, chõ Xôi, Ninh đồng còn tượng trưng cho một món quà rất quý không thể thiếu mà các bậc cha mẹ người Thái chuẩn bị cho con trai khi trưởng thành, xây dựng gia đình ở riêng. Theo phong tục của người Thái, khi làm thủ tục lên nhà mới vật dụng quan trọng khổng thể thiếu đó là cái Ninh, cái chõ. Khi con trai lấy vợ, ra ở riêng, bố mẹ nào cũng phải sắm cho con cái Ninh, cái chõ như của hồi môn. Mẻ Xôi đầu tiên sẽ được nấu ngay tại ngôi nhà mới của người con trai, con dâu, mong muốn bếp lửa bên nếp nhà sàn sẽ luôn đỏ lửa, ấm cúng, no đủ, hạnh phúc.

Tỷ lệ nguyên liệu làm bánh: Tùy thuộc vào mỗi người, mỗi hộ gia đình có tỷ lệ, công thức khác nhau để làm ra những chiếc bánh Khẩu Xén ngon, có hương vị, màu sắc riêng. Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu tại bản Bắc 2, thị xã Mường Lay (bản được công nhận Làng nghề truyền thống, có nhiều thành viên thường xuyên sản xuất bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp trên địa bàn thị xã Mường Lay) người dân cho biết cứ 10 kg gạo nếp thì cần 01 kg lá cây co khẩu cắm hay cây co khẩu đeng tươi hoặc 200g hoa bó phón khô để nấu nước, ngâm nhuộm màu cho gạo, gấc thì khoảng 2,5 đến 3 kg là đủ.

Tỷ lệ gia vị cho vào bánh phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng bánh mặn, ngọt, hay nhạt. Đối với bánh ngọt thì 10 kg gạo sau khi nấu thành xôi sẽ cho 02 hộp sữa ông thọ, khoảng 1,2 kg đường trắng, 40g muối trắng, 150g vừng trắng, 10 đến 13 quả trứng gà..., ngoài ra còn một số gia vị khác. Đối với bánh mặn thì giảm đường, tăng muối lên 100g, các gia vị như sữa ông thọ, vừng, trứng gà  vẫn cho như làm bánh ngọt để tạo sự thơm, béo gậy cho bánh. Đối với bánh nhạt thì giảm cả đường và muối, các gia vị sữa ông thọ, trứng gà, vừng... vẫn cho như làm bánh ngọt và bánh mặn.

Chính việc sử dụng gia vị đúng cách, đúng lúc và đúng liều lượng đã góp phần gia tăng hương vị, phát huy được vai trò của gia vị trong việc chế biến bánh Khẩu Xén và tạo ra đặc trưng riêng của địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng nét văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam từ mùi vị đến hình thức chế biến.

Quy trình, kỹ thuật làm bánh: Công đoạn làm bánh Khẩu Xén không khó nhưng đòi hỏi các chị em phụ nữ người Thái, ngành Thái trắng phải thực hiện tỉ mỉ, khéo léo, nhiều công đoạn khác nhau.

Gạo nếp được sàng sảy, vo sạch nhưng cũng không được vo quá kỹ sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng của gạo. Hoa bó phón khô, lá cây co khẩu cắm, co khẩu đeng sau khi cắt về nhặt bỏ các lá đã hỏng, rửa sạch cho vào nấu, đun sôi tầm 5-10 phút để ra màu, lá dứa được cắt tươi, rửa sạch cắt khúc cho vào giã, sau đó lọc lấy nước; lựa chọn bánh màu nào sẽ cho gạo đã vo vào ngâm với nước màu đó khoảng 6 đến 7 tiếng để gạo ngấm màu, nở đều, sau đó vớt ra để ráo nước 5 đến 7 phút và cho vào chõ đồ.

Xôi dẻo hay cứng phụ thuộc lửa và nước trong nồi, theo kinh nghiệm của các chị em dân tộc Thái, ngành Thái trắng lượng nước đổ dưới nồi chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi, cách này giúp lượng nước vừa đủ độ để làm mềm hạt xôi nhưng không quá nhão và nát, lửa không để quá to, cũng như quá nhỏ, đặc biệt không để khói làm ảnh hưởng đến mùi của Xôi, thời gian để Xôi chín từ 30- 40 phút.

Sắn sau khi đào về, bóc vỏ, loại bỏ những phần hỏng, rửa sạch cho vào nước ngâm 15 đến 20 phút để loại bỏ nhựa và làm sắn được trắng, sạch hơn, sau đó vớt ra, tráng lại bằng nước sạch, tiếp theo sắn được nạo mỏng, nếu thích màu cam thì trộn gấc để tạo màu và cho vào chõ đồ chín.

Sau khi đồ chín, Xôi, sắn vẫn đang nóng hổi cho vào cối gỗ hoặc cối đá giã ngay để có sự dẻo, nhuyễn. Trước kia và hiện nay đối với các gia đình làm bánh khẩu Xén để ăn trong dịp tết họ vẫn sử dụng cối gỗ, hoặc cối đá để giã bánh, hầu như mỗi gia đình đều có một đến hai chiếc cối để sử dụng giã bánh. Tuy nhiên hiện nay để tăng năng suất, giảm công lao động hợp tác xã, các gia đình kinh doanh bánh Khẩu xén, bánh Chí chọp đã sử dụng máy nghiền chạy bằng điện để hỗ trợ sức người nên khâu làm nhuyễn bánh đã nhanh hơn rất nhiều.

Để cho bánh giàu dinh dưỡng, thơm ngon, khi Xôi, sắn được giã, xay gần nhuyễn các chị em cho các nguyên liệu: Trứng gà, đường, vừng, muối,…vào giã, xay tiếp. Tùy vào khẩu vị của từng người, từng gia đình thích ăn ngọt, mặn hay nhạt sẽ cho gia vị muối, đường nhiều hay ít. Trước kia do cuộc sống vất vả, không có nhiều nguyên liệu, gia vị như ngày nay người dân chỉ cho muối, hạt vừng vào bánh. Khi đã nhuyễn cho bánh lên lá chuối đã được phết một chút mỡ hoặc dầu ăn để bánh không dính lá (hiện nay để thuận tiện cho việc làm bánh, người dân đã sử dụng thếm miếng nilon sạch để đổ bánh đã được giã nhuyễn lên rồi thực hiện tán mỏng bánh) dùng một ống tre đặc dàn đều, tán mỏng thành hình tròn to rồi đem để lên những chiếc phên đan bằng tre phơi trong bóng râm, nơi thoáng mát, nhiều gió để bánh se lại, dễ cắt.

Tiếp theo là công đoạn cắt tạo hình cho bánh. Ngày xưa dụng cụ cắt bánh  Khẩu Xén chủ yếu là dao, kéo nên việc tạo hình cho bánh khá đơn giản chủ yếu là tạo hình con trì (nhỏ dài bằng ngón tay), hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác. Ngày nay do có nhiều dụng nên việc cắt, tạo hình cho bánh Khẩu Xén khá phong phú, đa dạng như: Hình cánh hoa, hình răng cưa, hình sóng nước...

Theo quan niệm của dân tộc Thái, ngành Thái trắng, thị xã Mường Lay bánh Khẩu Xén cắt nhỏ, dài bằng ngón tay tượng trưng hình con sâu khi ăn vào sẽ diệt sâu bọ, bệnh tật trong người, làm cho cơ thể khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc; bánh hình tam giác tượng trưng cho núi rừng thiên nhiên; bánh hình cánh hoa tượng trưng cho sự nhẹ nhàng, thanh tao, sự nết na, hiền thảo của người phụ nữ dân tộc Thái; bánh hình vuông, hình chữ nhật tượng trưng cho đất, thể hiện sự phồn thịnh, mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tình đoàn kết, bền chặt giữa các thành viên trong bản; bánh tạo hình răng cưa tượng trưng cho sông suối, sóng nước, thể hiện cuộc sống, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người Thái trắng đã gắn liền với môi trường sông nước, ước muốn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên, việc giã bánh còn tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực tình yêu, sự thủy chung, son sắt của đôi lứa. Cuối cùng bánh Khẩu Xén được phơi ngoài nắng cho khô, khi sử dụng cho bánh Khẩu Xén vào rán trong dầu, mỡ, bánh nở phồng, ăn giòn, đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi.  Ngày nay để đáp ứng người tiêu dùng Hợp tác xã cũng như một số hộ gia đình sản xuất bánh Khẩu Xén đã chế biến, đóng gói để tiện lợi cho việc thưởng thức hay làm quà biếu người thân, bạn bè...

2.  Quy trình làm bánh Chí Chọp

Nguyên liệu làm bánh: Giống như bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp cũng được làm từ gạo nếp, tuy nhiên bánh Chí Chọp được làm đơn giản, không quá cầu kỳ. Gạo nếp được chọn làm bánh là gạo nếp tăm, hoặc nếp nương hạt to, đều, ngon dẻo. Ngoài ra còn có gấc, lá cây co khẩu cắm, co khẩu đeng để tạo màu cho Xôi, các gia vị: Muối, đường, vừng, nước cốt dừa...

Dụng cụ cơ bản để làm bánh: Chõ đồ Xôi, khuôn hình tròn, mẹt, lá chuối tươi, phên phơi bánh.

Tỷ lệ nguyên liệu làm bánh: Tỷ lệ cho gia vị cho vào bánh Chí Chọp cũng phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng bánh mặn, ngọt, hay nhạt theo khẩu vị và nhu cầu của từng người, từng gia đình hay nhu cầu của người tiêu dùng. Thông thường đối với bánh ngọt thì 10 kg gạo sau khi nấu thành xôi sẽ cho khoảng 1,5 kg đường trắng, 20g muối trắng, 100g vừng trắng..., ngoài ra còn một số gia vị khác. Đối với bánh mặn thì giảm đường, tăng muối lên 200g. Đối với bánh nhạt thì giảm cả đường và muối, các gia vị như vừng, nước cốt dừa... vẫn cho như làm bánh ngọt và bánh mặn.

Quy trình, kỹ thuật làm bánh: Gạo nếp sau khi được sàng sảy, vo sạch cho vào ngâm với nước lá cây co khẩu cắm, co khẩu đeng (đã nấu, lọc lấy nước để tạo màu cho gạo), thời gian ngâm gạo khoảng 6 đến 7 tiếng để gạo ngấm màu, nở đều, sau đó vớt ra để ráo nước vào chõ đồ.

Khi Xôi chín các chị em đổ Xôi ra mẹt và cho các nguyên liệu, gia vị vào đảo đều và tiếp tục cho vào chõ đồ lần hai khoảng 10 đến 15 phút để Xôi ngấm gia vị, mềm dẻo hơn; tùy theo sở thích mà mọi người có thể nêm gia vị mặn, ngọt khác nhau. Tiếp đến cho Xôi vào các khuôn hình tròn, tán  mỏng, đều, sao cho giữ nguyên hạt cơm, tạo thành hình tròn và đặt vào lá chuối để bánh khỏi dính, cuối cùng cho bánh lên phên hoặc mẹt phơi khô dưới nắng. Khi bánh khô có thể cho vào túi cất trong tủ, khi nào ăn đem rán ngập dầu, mỡ cho giòn, khi ăn chấm kèm tương ớt hoặc chẩm chéo của dân tộc Thái.

Từ xưa đến nay, người dân tộc Thái, ngành Thái trắng nơi đây quan niệm việc nặn bánh Chí Chọp hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - nguồn gốc cho sự tồn tại của vạn vật, thể hiện kinh nghiệm sống, cách ứng xử với tự nhiên, cầu nguyện thần thánh, tổ tiên ban cho những điều tốt đẹp, mùa màng bội thu, cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc đã tạo ra một loại bánh độc lạ, không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng lại có sức sống bền lâu với thời gian.

Từ chiếc bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp nguyên thủy, màu trắng chỉ có trứng gà, muối, đường, vừng thì nay bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp có nhiều màu sắc, hương vị thơm ngon khác nhau từ sữa, nước cốt dừa... khiến người thưởng thức không biết ngán, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.

Để có được một chiếc bánh hoàn chỉnh, đạt yêu cầu không phải dễ dàng. Từ khâu chọn nguyên liệu đến giã, nghiền thành bột, trộn gia vị, phơi, cắt bánh...là cả một quá trình đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn, kiên trì và đầy tâm huyết của người làm bánh. Quy trình làm bánh không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng làm được chiếc bánh thơm ngon, đậm đà hương vị quê hương.

Bánh Khẩu Xén hình vuông, bánh Chí Chọp hình tròn chính là sự đại diện cho đất trời, hai thứ mà Nhân dân tôn thờ, tượng trưng cho âm dương, giao hòa của đất trời, niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người, sự sinh sôi nảy nở, sự no đủ, thịnh vượng. Đồng thời thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của con người; đặc biệt là phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước gửi gắm lại cho con cháu, đó là sự cần cù chịu khó, siêng năng của những người nông dân gắn liền với các món ăn từ hạt gạo, sự khéo tay tinh tế của những người chế biến; bên cạnh đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, dâng lên tổ tiên những món ăn ngon nhất trong các dịp lễ tết, thể hiện sự hiếu thảo, tinh thần gắn bó giữa các thành viên.

Từ một món ăn truyền thống trong những ngày lễ Tết, nay bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp đã được làm quanh năm và trở thành hàng hóa được bán rộng rãi trên thị trường, đặc sản của vùng đất Mường Lay được Nhân dân, du khách ưa chuộng. Hiện đã có hàng trăm hộ dân tham gia sản xuất loại bánh này bán ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, làng nghề bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp tại bản Bắc 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định công nhận và cấp bằng công nhận Làng nghề truyền thống năm 2022, có 55/73 hộ làm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp, đây chính là niềm tự hào, động lực để người dân cố gắng phấn đấu phát triển, lưu giữ, truyền dạy cho các con, cháu nghề truyền thống của cha ông, đồng thời cũng giúp người dân trong bản có việc làm, thêm thu nhập cho gia đình.

Những năm qua, chính quyền các cấp ở thị xã Mường Lay đã tích cực vào cuộc, thành lập các tổ hợp tác và xây dựng mô hình “Nhóm duy trì mô hình làm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp” theo hình thức liên kết sản xuất, để gắn kết các hộ làm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp đơn lẻ vào hoạt động có tổ chức, trên cơ sở đó nhằm góp phần tạo thêm nhiều việc làm, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, từ đó, tạo động lực để chị em tích cực sản xuất, sống được với nghề. Bên cạnh đó các doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với bà con nông dân để sản xuất bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều chính sách kịp thời từ Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, đến nay sản phẩm bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp đang được sản xuất, tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp là sản phẩm đặc trưng, thể hiện quan niệm, phong tục tập quán, nét tinh hoa trong văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, ngành Thái trắng tại thị xã Mường Lay, với các nguyên liệu đơn giản, dễ chuẩn bị, kết hợp với bàn tay khéo léo, người dân đã tạo ra món bánh mộc mạc, thơm ngon mang đầy ý nghĩa, vừa là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ, vừa là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ, tôn trọng từ quá khứ, hiện tại và tương lai; đồng thời là bức tranh đầy màu sắc mà bất kỳ du khách nào cũng muốn được khám phá, thưởng thức và là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch; qua đó góp phần thêm sự phong phú, đa dạng cho bản sắc văn hoá và ẩm thực của Việt Nam.

Một số hình ảnh Kỹ thuật làm bánh khẩu Xén, bánh Chí Chọp:

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan
    Tin đã đăng

       Bình luận


      Mã xác thực không đúng.
        Bản đồ hành chính
        Thư viện nhạc
         Liên kết website
        Thống kê truy cập
        Thống kê: 952.447
        Online: 73