Thị xã Mường Lay hiện có trên 1.000 hộ dân thuộc vùng TĐC Thủy điện Sơn La. Chuyện thiếu đất sản xuất, canh tác để ổn định cuộc sống của người dân ở đây đã và đang là điều trăn trở của không chỉ riêng thị xã mà cả của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thời gian qua, tỉnh và các ngành chức năng đã dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, năm 2012, thông qua nguồn vốn của Chính phủ Đan Mạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai Dự án Danida, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng TĐC
Với tổng nguồn vốn năm 2012 trên 830 triệu đồng, mục tiêu của dự án là nhằm chuyển giao kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp và xã hội cho vùng nông thôn; đưa giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp đặc điểm tình hình địa phương cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mặc dù mới được khởi động từ đầu tháng 6/2012, song mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La bước đầu được người dân địa phương đánh giá khá cao. Dự án đã lựa chọn HTX Sông Đà và Thủy Sơn, là 2 HTX có năng lực và nhiệt huyết để tham gia mô hình điểm với quy mô 40m3. Với lợi thế là dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn (từ 4 – 6 tháng) nên cá rô phi đơn tính đã được Dự án lựa chọn thả thí điểm 4.000 con giống. Tham gia mô hình, các HTX được hỗ trợ hoàn toàn về giống, hỗ trợ kinh phí làm lồng và 50% kinh phí mua thức ăn cho cá. Trước khi bắt tay vào nuôi, người dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và tổ chức tham quan mô hình có hiệu quả tại các tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra, trong suốt quá trình nuôi, cán bộ phòng kinh tế thị xã thường xuyên theo sát để hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi diễn biến, tiến trình phát triển của cá, kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Ông Hoàng Văn Chiến, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, ngay từ những ngày đầu, mặc dù được sự quan tâm của tỉnh cũng như Ban lãnh đạo thị xã, song do mô hình mới triển khai lần đầu nên gặp không ít khó khăn. Hồ thủy điện mới tích nước nên mực nước chưa ổn định, độ đục cao đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá. Nắm bắt tình hình, cán bộ triển khai dự án đã vận động và huy động người dân di chuyển lồng cá lên các khu vực hồ cao, chờ nước ổn định mới chuyển xuống. Theo ước tính đến khi thu hoạch (vào khoảng cuối năm 2012) trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 0,5 – 0,6kg và khoảng 30kg cá/m3. Sau 3 tháng thả thí điểm, đến nay trung bình mỗi con cá có trọng lượng khoảng 0,2kg, đặc biệt có những con đạt 0,5kg. Cùng với giá cá rô phi được bán tại địa bàn thị xã hiện giờ bình quân từ 45 – 50 nghìn đồng/kg thì người nông dân có thể xem đây là tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, do mới là mô hình thí điểm, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của dự án thì nguồn vốn đầu tư ban đầu phải bỏ ra khá lớn nên chưa nhiều hộ có thể tham gia. Chính vì vậy, trong xây dựng kế hoạch cho dự án, ngoài mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ, thị xã cũng đang đồng thời triển khai các mô hình khác, như: nuôi gà xương đen, gà Di Đapaco theo hướng an toàn sinh học với 76 hộ hưởng lợi, quy mô 3.800 con, tổng kinh phí trên 360 triệu đồng. Cùng với đó, thị xã cũng xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình: sản xuất rau xanh vụ đông theo hướng an toàn sinh học; mô hình sản xuất nấm sò và các lớp tập huấn, tuyên truyền nông thôn mới cho người dân xã Lay Nưa.
Nguồn vốn của dự án Danida mặc dù mới được khởi động trên địa bàn thị xã, song bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng. Chính quyền thị xã cũng như người dân nơi đây kỳ vọng và tin tưởng rằng, bằng sự chủ động của người dân cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn khác, Danida sẽ mở hướng trong phát triển kinh tế cho nông dân vùng TĐC./.
Theo baodienbienphu.com.vn