Để phục vụ mặt bằng xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La hàng ngàn hộ dân đã di chuyển nơi ở. Đến nay, 100% các hộ gia đình thuộc diện tái định cư trên địa bàn thị xã Mường Lay đã ổn định nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, đời sống của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn bởi quỹ đất sản xuất hạn hẹp, việc chuyển đổi ngành nghề gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiềm năng lợi thế sẵn có của lòng hồ vẫn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả
Sau tái định cư thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay còn gần 1.000 hộ nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có hơn 360 hộ gia đình thuộc 6 bản thuộc phường Na Lay và xã Lay Nưa được giao đất sản xuất với hạn mức 450 m2 /nhân khẩu. Đời sống sản xuất của bà con nông dân vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công tác đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề đã, đang được thị xã triển khai và bước đầu mang lại những kết quả nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Thị xã Mường Lay có trên 70 hộ gia đình tham gia đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thủy điện Sơn La.
Một hướng phát triển hứa hẹn nhiều tiềm năng của thị xã là khai thác các nguồn lợi từ lòng hồ thủy điện Sơn La. Hồ thủy điện Sơn La khi tích nước tại cos 215 sẽ có diện tích mặt nước lên tới 224km2, độ sâu trung bình trên 200m và dung tích trên 9 tỷ mét khối nước. Riêng diện tích mặt hồ thuộc địa phận thị xã Mường Lay rộng khoảng 50km2 và kéo dài hàng chục cây số. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt và nuôi thuỷ sản. Khi hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước, lượng tôm cá dồi dào trước mắt sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho ngư dân.
Những thuyền câu, thuyền thả lưới, vó bè mỗi ngày đem lại thu nhập vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng cho ngư dân. Vào vụ, chuyện mỗi thuyền đánh bắt được vài tạ tôm, cá là chuyện bình thường. Ông Lương Xuân Tán - một ngư dân có nhiều kinh nghiệm sông nước và nổi tiếng \\"sát\\" tôm, cá chia sẻ: Hồ thủy điện không những mang ánh sáng đến cho người dân cả nước mà còn mang lại tôm cá cho những người dân như tôi, nhờ nguồn thu này gia đình có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Hiện tại, ngoài đánh bắt cá, ông Tán có 500 rọ tôm trải dọc theo lòng hồ, thời điểm này nước mới lên lượng tôm ít nhưng mỗi ngày ông vẫn bắt được từ 3 - 4kg tôm, thu nhập khoảng 400 nghìn đồng.
Với nguồn lợi như vậy nên nhiều hộ mạnh dạn đầu tư các phương tiện đánh bắt thủy sản. Trung bình mỗi chiếc thuyền máy đánh cá đóng mới hết từ 20 - 30 triệu đồng, vó bè chi phí thấp hơn khoảng trên, dưới 10 triệu. Nếu tôm cá nhiều, đánh bắt đều đặn chỉ vài tháng là ngư dân thu hồi được vốn. Xuôi theo dòng nước, có thể dễ dàng gặp những thuyền câu, vó bè của ngư dân đang buông câu, thả lưới đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, một số thuyền vì lợi ích trước mắt đã dùng kích điện hoặc thuốc để đánh bắt tôm cá, tận diệt nguồn thủy sinh. Hiện nay, ngư dân vẫn đánh bắt được tôm cá, vẫn có thu nhập từ lòng hồ nhưng ai cũng nhận thấy rằng lượng tôm, cá đã dần ít đi.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, toàn thị xã Mường Lay có trên 70 hộ gia đình tham gia đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thủy điện Sơn La. Việc đánh bắt thủy sản trên lòng hộ góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân sau tái định cư. Do đó, xác định tiềm năng về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ là thế mạnh, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân. Thị xã Mường Lay chủ trương, việc đánh bắt khai thác thủy sản phải đi đôi với bảo vệ và phát triển. Cùng với việc khuyến khích các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư thí điểm nuôi cá lồng. Giữa năm 2012, bằng nguồn vốn của Chính phủ Đan Mạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với thị xã triển khai dự án hỗ trợ người dân tái định cư tìm hướng phát triển kinh tế. Trong đó, có hợp phần mô hình nuôi thí điểm cá lồng trị giá 70 triệu đồng. Vốn được dùng để cấp 4.000 con giống rô phi đơn tính, hỗ trợ kinh phí làm 4 lồng với tổng dung tích 40m3, hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng bệnh… Hai hợp tác xã được lựa chọn triển khai là hợp tác xã Thủy Sơn và hợp tác xã Sông Đà.

Mô hình nuôi cá lồng tại thị xã Mường Lay.
Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của cá, dự tính đến cuối năm 2012, khi cá cho thu hoạch có thể đạt năng suất 35kg cá/1m3, tổng sản lượng của mô hình thí điểm đạt khoảng 1,5 tấn cá. Với giá cá thương phẩm trên thị trường dao động ở mức 50 nghìn/kg có thể cho thu nhập 70 triệu đồng. Qua vụ đầu tiên có thể thu hồi vốn đầu tư. Từ vụ thứ hai, người dân chỉ phải đầu tư vào giống và thức ăn và một khoản kinh phí rất nhỏ để vệ sinh lồng. Khi đó mức lãi của mỗi lồng nuôi cá sẽ đạt khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Ông Lù Văn Túng - thành viên Ban quản trị hợp tác xã Sông Đà cho biết: Khi mới thành lập, hợp tác xã tập trung chủ yếu vào khai thác và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ. Tuy nhiên về lâu dài, hợp tác xã sẽ tập trung vào việc nuôi cá lồng. Hiện nay, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xã viên rất tin tưởng vào thành công của việc nuôi cá lồng.
Những kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá lồng hứa hẹn hướng phát triển bền vững cho người dân thị xã Mường Lay nhưng vẫn còn đó không ít những khó khăn. Thứ nhất, phải kể đến việc người dân chưa được giao diện tích mặt nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân đầu tư xây dựng lồng và triển khai nuôi cá. Đồng thời biết được khu vực nuôi thả người dân sẽ dần rút ra quy luật nước lên, xuống và các điều kiện tự nhiên khác để đảm bảo có những biện pháp chăm sóc, bảo vệ cho lồng cá của mình tốt nhất. Khó khăn thứ hai của bà con ngư dân, đó là thời điểm tiến hành thả cá giống nước lòng hồ tương đối đục, cá giống nhỏ sức chống chịu kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển. Theo một số ngư dân, cá giống nên được nuôi ương tại các ao cá tại xã Lay Nưa hoặc trên đập nước Pa Cô, diện tích khoảng 15 ha, cho đạt tiêu chuẩn sau đó mới chuyển xuống các lồng dưới lòng hồ, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Thứ 3, là kinh phí đầu tư ban đầu cho nuôi cá lồng khá lớn trung bình 20 - 30 triệu/lồng; người dân thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi...
Theo bản quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân đến năm 2020 trên địa bàn thị xã Mường Lay, thị xã sẽ quy hoạch gần 130 ha mặt nước phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản của nhân dân. Diện tích mặt nước trên có thể phát triển 200 lồng cá với sản lượng dự ước khoảng 50 tấn cá/năm, giá trị sản xuất trên 12 tỷ đồng. Hiệu quả bước đầu của việc nuôi thủy sản trên lòng hộ đã được chứng minh, tuy nhiên để hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, giúp người dân thực sự gắn bó, tăng thu nhập, nâng cao đời sống từ nuôi thủy sản. Các cấp, các ngành cần triển khai nhiều giải pháp, trước mắt là bàn giao diện tích mặt nước, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với ngư dân, mở các lớp tập huấn về phòng, trị bệnh cho cá, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá năng suất cao... Có như vậy, mới tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của lòng hồ thủy điện Sơn La./.
Theo dienbientv.vn