Ở thị xã Mường Lay, những năm trước đây, rơm rạ sau mỗi vụ sản xuất lúa, bên cạnh một phần rất nhỏ khối lượng rơm rạ người dân tích trữ để làm thức ăn cho gia súc, phần còn lại đều đem đốt bỏ ngoài đồng. Nhưng đã 3 năm qua, nhiều hộ gia đình ở bản Ho Cang, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay đã biết tận dụng nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp này để nâng cao nguồn thu nhập
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, gia đình chị Mào Thị Ngái ở bản Ho Cang lại chuẩn bị mọi điều kiện để trồng nấm rơm. Tuy là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu chính của gia đình chị trong thời gian nông nhàn. Chỉ cần tận dụng gầm sàn, dọn dẹp sạch sẽ, quây kín bạt là đã có diện tích để trồng nấm. Trong thời gian 45 ngày cho một quy trình khép kín: từ khi ngâm ủ, cấy giống, đến khi cho thu hoạch, với giá thành trên thị trường thị xã Mường Lay trung bình từ 50 - 60.000đ/1kg nấm. Như vậy, chỉ phải đầu tư kinh phí khoảng 1,2 triệu đồng cho các chi phí mua vôi bột để khử khuẩn rơm rạ và giống, với hơn 5m2 trồng nấm gia đình chị thu về khoảng 5 triệu đồng tiền lãi.
Còn đối với gia đình chị Lò Thị Định, năm nay là năm thứ 3 gia đình chị thực hiện việc trồng nấm. Chị chia sẻ: Thời tiết sau vụ sản xuất lúa mùa rất phù hợp với việc trồng nấm rơm, còn sau vụ sản xuất chiêm xuân thì trồng nấm sò sẽ cho năng suất và sản lượng cao hơn. Sẵn có kinh nghiệm, lại được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, trồng các loại nấm, bản thân chị đã chủ động hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm để nhiều hộ gia đình trong bản cùng học tập, làm theo.
Mô hình trồng nấm rơm, nấm sò tại bản Ho Cang nằm trong định hướng mở rộng diện tích trồng nấm trong toàn tỉnh, do Trạm giống nông nghiệp huyện Điện Biên phối hợp với thị xã Mường Lay triển khai thực hiện. Mô hình được triển khai năm 2010, đến nay sau hơn 3 năm thực hiện đã có gần 40 hộ gia đình xã viên thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lay Nưa tham gia trồng nấm.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tích cực vận động để có thêm nhiều xã viên khác tham gia mở rộng diện tích trồng nấm, Hợp tác xã sẽ tiếp tục phối hợp với trung tâm dạy nghề thị xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm mỡ cho các xã viên nhằm nâng cao nguồn thu cho từng hộ gia đình.
 |
Hiện đã có gần 40 hộ gia đình xã viên thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lay Nưa tham gia trồng nấm. |
Nghề trồng nấm rơm, nấm sò ở bản Ho Cang đang có tiềm năng phát triển, với nguồn nguyên liệu và lao động sẵn có, dồi dào, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật không phức tạp, lại ít rủi ro, đầu ra thuận lợi. Nếu diện tích trồng nấm tại bản được mở rộng, người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm theo quy trình công nghệ sạch, từ trồng nấm chắc chắn nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình nông dân ở Ho Cang sẽ còn được cải thiện đáng kể.
Việc tận dụng nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để trồng nấm rơm ở bản Ho Cang, xã Lay Nưa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Qua đó, không chỉ giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm một sinh kế mới cho người dân trong bản, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững./.
Theo dienbientv.vn