Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và tỉnh, kinh tế, xã hội của thị xã đã có nhiều thay đổi, phát triển, trong đó có hoạt động du lịch. Thực hiện dự án thủy điện Sơn La đã tạo cho thị xã Mường Lay cảnh quan thơ mộng, trên bến, dưới thuyền, những dãy nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Trắng nối tiếp nhau san sát hai bên Hồ Nậm Lay. Từ đó đã hình thành nên du lịch lòng hồ thủy điện với các tuyến Mường Lay - Thủy điện Nậm Nhùn, Mường Lay - Quỳnh Nhai. Không chỉ giàu sản phẩm văn hóa vật thể mà Mường Lay còn rất phong phú văn hóa phi vật thể - đó là những nét văn hóa dân tộc truyền thống như các điệu múa nón, múa xòe, múa khăn, đàn tính tẩu, văn hóa ẩm thực dân tộc, các môn thể thao truyền thống ném còn, đẩy gậy, lễ Kin Pang Then, lễ hội Đua thuyền đuôi én... Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch Mường Lay khai thác và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương. Phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc gắn với văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao mang nét đặc trưng riêng biệt.

Cùng với đó, thị xã đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch đã có nhiều bước phát triển, thị xã đã quảng bá du lịch cảnh quan, lịch sử văn hóa thị xã tới các địa phương trong nước, khách nước ngoài. Đã hình thành nhiều hình thức du lịch khám phá làng bản như: Du khách đến tìm hiểu văn hóa, tập quán của đồng bào các dân tộc thông qua hình thức ăn, nghỉ tại các hộ gia đình. Đảng bộ, chính quyền thị xã đã chỉ đạo nhiều hoạt động tôn tạo, phục dựng các giá trị văn hóa lịch sử, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Những thay đổi từ diện mạo đến khởi sắc từ nội lực hoạt động du lịch, thị xã đã từng là điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, mỗi năm thị xã đã đón hàng trăm lượt du khách tới tham quan, tìm hiểu về thị xã Mường Lay.

Bên cạnh đó, dịch vụ lưu trú của thị xã cũng nhiều thuận lợi để đón tiếp du khách với 05 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch gồm 95 buồng, 380 giường, quy mô và hiện đại, hợp lý về giá, nằm bên Hồ Nậm Lay với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng.

- Sản phẩm du lịch sông nước: Với những gì mà thiên nhiên, truyền thống và lịch sử để lại đã mở ra cho Mường Lay hướng đi mới trong phát triển du lịch. Đầu tiên, phải kể đến việc kết nối giao thông giữa thành phố Điện Biên Phủ - Mường Lay và Lai Châu. Cùng với việc hình thành vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, giao thông đường thủy phát triển cũng mở ra nhiều hành trình trải nghiệm thú vị. Khách du lịch sẽ có nhiều lựa chọn ở sự đa dạng của điểm đến. Theo lịch trình cụ thể, khách có thể lựa chọn du ngoạn bằng thuyền trên vùng lòng hồ để được giao hòa cùng thiên nhiên hùng vĩ; nghe người dân bản địa kể những câu chuyện đậm chất huyền sử về dòng Đà Giang hung dữ bao đời, về chuyện vua Lê Lợi khắc thơ trên bia đá vách Pú Huổi Chỏ vào tháng 01 năm 1432, nhằm răn đe kẻ làm phản nơi phên giậu của Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia; chuyện vua Thái Đèo Văn Long trong thời kỳ chống Thực dân Pháp... Dọc đường về, thăm các mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ. Để tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng, du khách có thể dừng thuyền thăm các bản ven hồ, tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc tại các bản: Na Nát, Quan Chiêng, Chi Luông... thuộc phường Na Lay; tìm hiểu nghề đan lát đồ gia dụng, làm bánh Khẩu Xén ở xã Lay Nưa. Du khách cũng có thể thưởng thức ẩm thực dân tộc tại các bản trong những nếp nhà sàn truyền thống.

- Sản phẩm du lịch sinh thái mạo hiểm và khám phá: Khách du lịch có thể chọn hành trình leo núi khám phá hang bản Bắc; ngược trở ra bến sông nơi có dinh thự Đèo Văn Long trên con đường nhỏ vắt trên đỉnh núi vốn khi xưa là đường đi dạo của Đèo Văn Long. Từ bến sông, ngược dòng Nậm Na về Tủa Chùa, vừa thưởng ngoạn cảnh quan, cũng có thể câu cá sông Đà hay ghé thăm các bản nép mình bên vách núi. Lựa chọn du lịch sông nước Mường Lay, vừa là thưởng ngoạn, vừa là tìm hiểu các điểm đến ý nghĩa của 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, hình dung về con đường vốn là nơi giao thương “trên bến dưới thuyền” xưa.

- Sản phẩm du lịch văn hóa: Từ nhiều đời nay, Mường Lay vẫn được coi là thủ phủ của người Thái Trắng ở Điện Biên. Nét văn hóa dân tộc Thái Trắng được lưu giữ qua nhiều đời với những điệu múa đặc sắc như: Múa sạp, múa xòe, múa nón, múa quạt; những điệu dân ca; nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ…

Thực hiện chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, nhiều bản người Thái được di chuyển lên cao nên vẫn giữ được cơ bản những nét văn hóa và nếp sinh hoạt truyền thồng là bản nằm ven sông, hồ với những nếp nhà sàn; người dân sống bằng nghề chài lưới và sản xuất lúa ruộng. Nhờ đó, những nét văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng của không chỉ dân tộc Thái mà còn của 9 dân tộc anh em khác vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Những năm gần đây, đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc ở các bản dân tộc Thái, Mông trên địa bàn. Từ khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao, diện tích mặt hồ có thời điểm lên chừng 100 ha. Điều kiện ấy đã tạo cho thời tiết Mường Lay mát mẻ và trong lành hơn; dòng sông Đà hung dữ nay trở nên hiền hòa, thơ mộng... là cảnh quan sinh thái hấp dẫn du khách.

- Sản phẩm du lịch lịch sử: Di tích lịch sử cấp tỉnh Pú Vạp (nằm tại phường Sông Đà và xã Lay Nưa) di tích Pú Vạp là một trong những địa điểm ghi lại dấu ấn tội ác của Thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu trong việc bóc lột sức lao động của Nhân dân, chiếm ruộng đất, bắt đóng thuế, đi phu, cống nạp vật phẩm, đánh dấu thời kỳ đen tối của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong thời kỳ này. Đây là địa chỉ để Nhân dân, thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử dân tộc Tây Bắc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đến với di tích lịch sử, khách tham quan như đọc được cuốn sử ghi chép về những con người, những sự kiện tiêu biểu, được cảm nhận một cách chân thực về lịch sử.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 530.215
Online: 20