Với mục đích tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, các giá trị nhân đạo, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết cho thanh niên, thiếu niên thông qua các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng. Xây dựng môi trường học tập và rèn luyện phong phú, tạo điều kiện cho thanh niên, thiếu niên được tham gia các hoạt động cộng đồng, nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Ngày 28-3-2022, Hội Chữ thập đỏ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thị đoàn Mường Lay ban hành Chương trình phối hợp số 26/CTPH- HCTĐ- GD&ĐT- TĐML giữa Hội Chữ thập đỏ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thị đoàn Mường Lay trong công tác TTN Chữ thập đỏ trường học, giai đoạn 2021-2026.
Theo đó, Các nội dung phối hợp bao gồm: (1) Tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, các giá trị nhân đạo cho thanh niên, thiếu niên: Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, giáo dục về lòng nhân ái về các giá trị nhân đạo cho thanh niên, thiếu niên.Tuyên truyền Luật nhân đạo Quốc tế, Luật hoạt động Chữ thập đỏ và phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm Quốc tế, tuyên truyền Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, giá trị nhân đạo cho thanh niên, thiếu niên trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội... Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền cho thanh niên, thiếu niên về các giá trị nhân đạo lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa, các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi sơ kết, tổng kết của Chi đoàn, Chi hội, Chi đội và trong dịp kỷ niệm các Ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Quốc tế 8/5; ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11; ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; ngày thành lập Đoàn 26/3... Tổ chức tuyên truyền thông qua các hoạt động nhân đạo, đền ơn, đáp nghĩa, thanh niên, sinh viên tình nguyện vì cộng đồng. Qua hoạt động vận động gây quỹ Chữ thập đỏ, hưởng ứng tham gia phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, "Tháng Nhân đạo"... (2) Tổ chức các hoạt động nhân đạo: Tiếp tục thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng nhân đạo” và cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; phối hợp khảo sát, lập hồ sơ các “Địa chỉ nhân đạo” đối với học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động thanh niên, thiếu niên trong các lớp học và cán bộ, giáo viên đăng ký trợ giúp thường xuyên với hình thức thiết thực. Phấn đấu mỗi đội hoặc nhóm thanh niên, thiếu niên trợ giúp ít nhất một “Địa chỉ nhân đạo” trong trường học hoặc ở cộng đồng dân cư. Triển khai Chương trình “Trường tới trường - Kết nối yêu thương”: Phối hợp khảo sát các trường học, các giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cần trợ giúp; vận động các trường có điều kiện kết nghĩa và hỗ trợ các trường học khó khăn. Các hỗ trợ, gồm: Cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng học tập, giảng dạy và các hỗ trợ phi vật chất khác; dinh dưỡng học đường (ăn trưa, sữa…). Tiếp tục triển khai các Chương trình trợ giúp nhân đạo hiệu quả, thiết thực như: Chương trình “Điều ước cho em”, Chương trình “Kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện”, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Chương trình “Xe đạp giúp bạn”... Phát triển các mô hình vận động ủng hộ, gây quỹ nhân đạo trong từng lớp học và trường học như: Nuôi lợn đất, quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp bạn nghèo vượt khó. Triển khai các chương trình tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện hàng năm. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện đảm bảo công khai minh bạch. (3) Tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng: Xây dựng tài liệu và triển khai tập huấn nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng ngừa và ứng phó thảm họa, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho cán bộ, giáo viên, thanh niên, thiếu niên trong trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng an toàn khi đến trường và ở nhà, kỹ năng làm việc nhóm, các trò chơi. Tổ chức các hoạt động, các chiến dịch giáo dục, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, dinh dưỡng học đường, bảo vệ môi trườn. Xây dựng và củng cố “Góc sức khỏe Chữ thập đỏ” hoặc “Tủ thuốc Chữ thập đỏ”, phát triển vườn cây thuốc nam trong trường học (khi có điều kiện). (4) Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và sơ, tổng kết các hoạt động: Tổ chức hội thi, tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong thanh niên, thiếu niên trong và ngoài trường học tại địa phương hoặc giao lưu với các tỉnh, thành phố lân cận hàng năm. Thực hiện sơ, tổng kết và tôn vinh khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình phối hợp của ba bên.
Chương trình phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: (1) Hội Chữ thập thị xã Mường Lay: Cung cấp tài liệu tuyên truyền về giá trị nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, kỹ năng hoạt động thanh niên, thiếu niên Chữ thập đỏ. Chủ trì hướng dẫn triển khai mô hình “Trường tới Trường - Kết nối yêu thương”; Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", "Tháng Nhân đạo".... (2) Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã: Phối hợp chỉ đạo tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, thanh niên, thiếu niên trong trường học. Chủ trì hướng dẫn các trường học xây dựng và củng cố “Góc sức khỏe Chữ thập đỏ” hoặc “Tủ thuốc Chữ thập đỏ”, phát triển vườn cây thuốc Nam (khi có điều kiện). Chủ trì triển khai Chương trình “Kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện”, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”… (3) Thị Đoàn Mường Lay: Chủ trì phát triển các mô hình vận động ủng hộ, gây quỹ nhân đạo trong từng lớp học và trường học như: Nuôi lợn đất, quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp bạn nghèo vượt khó. Phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện.Chỉ đạo Đoàn, Đội cơ sở vận động thanh niên, thiếu niên tham gia các hoạt động nhân đạo trong và ngoài trường học...