Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Sau hơn 5 năm \\"nhập cư\\" vào vùng Tây Bắc, đến nay cao su đã thực sự bén rễ, phủ xanh trên nhiều địa phương thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, hứa hẹn mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, để cao su thực sự trở thành \\"vàng trắng\\", rất cần có lộ trình cụ thể

Những tín hiệu vui

Cao su bắt đầu \\"bén duyên\\" vùng Tây Bắc từ năm 2006 với hơn 70ha trồng thử nghiệm tại xã Ít Ong (Mường La - Sơn La), trải qua hai đợt rét đậm, rét hại vào cuối năm 2007 đầu 2008 và cuối năm 2010 đầu năm 2011, cây cao su vẫn phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Đến hết tháng 10/2011, toàn tỉnh Sơn La trồng mới được 1.036,6ha cao su. Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, ngoài diện tích bị thiệt hại do rét đậm, toàn bộ cây cao su đã trồng trong những năm qua đều sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, tạo được lòng tin của nhân dân trong việc tham gia góp đất, mở rộng diện tích trồng cao su trên địa bàn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu, so với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, điều kiện khí hậu, thời tiết ở Tây Bắc khắc nghiệt hơn; tuy nhiên, qua hơn 5 năm, cây cao su vẫn phát triển bình thường, ít sâu bệnh, độ cao đạt tiêu chuẩn. 

Mặc dù dự án phát triển cây cao su còn nhiều khó khăn, song người dân vùng Tây Bắc hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự thành công của dự án, không những góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ nông dân.

Cần một lộ trình cụ thể


Cao su là cây công nghiệp nhiệt đới, phải mất 6-7 năm mới cho mủ và tới lúc đó, mới biết được nó có thực sự thích hợp với vùng Tây Bắc hay không. Vì vậy, để cao su thực sự trở thành cây xóa nghèo bền vững cho bà con vùng cao, các địa phương cần xây dựng quy hoạch cụ thể, có lộ trình hợp lý để người dân yên tâm hơn khi quyết định góp đất cho các doanh nghiệp trồng cao su.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, ông Trịnh Văn Chuẩn cho biết, việc đưa cây cao su lên trồng ở các tỉnh miền núi Tây Bắc là một trong những giải pháp quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để làm tốt vấn đề này, tỉnh cần có quy hoạch vùng cụ thể và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân như: hỗ trợ lập phương án bồi thường thu hồi đất; đào tạo lao động địa phương chuyển đổi ngành nghề; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, vườn ươm giống… Song song với việc phát triển cây trồng mới thì đảm bảo an sinh xã hội tại những nơi quy hoạch vùng cao su cũng là điều cần thiết. Thực tế, để tạo thu nhập trước mắt cho nông dân, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình trồng cây lương thực, hoa màu xen cao su khi vườn cao su chưa khép tán, mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Thế Luận, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La, điểm mới trong việc mở rộng diện tích cây cao su năm 2011 là tỉnh đã xác định xã Xuân Nha (Mộc Châu) làm địa bàn trọng điểm. Để bảo đảm tiến độ, tỉnh tập trung giải quyết tốt các chính sách cho nhân dân và chuyển đổi diện tích rừng kém hiệu quả sang trồng cao su. Đồng thời, huy động lực lượng quân đội, thanh niên xung phong cùng lao động của Công ty cổ phần Cao su Sơn La tập trung khai hoang, làm đất để trồng mới cao su.

Hy vọng với chủ trương đúng, giải pháp hợp lý, trong tương lai không xa, cùng với màu xanh tươi non của cây cao su sẽ là màu ngói mới của những bản làng các dân tộc vùng cao Tây Bắc.


                                                                                         Theo dienbien.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 998.442
Online: 7