Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là thiếu kinh phí. Trước thực trạng đó, theo ý kiến của nhiều người thì, để Đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 trở thành hiện thực, về đích đúng hạn, chúng ta phải biết khơi dậy ý chí, nội lực nơi dân để phục vụ nhân dân, chứ không hoàn toàn trông chờ vào Nhà nước

Mục tiêu chung là đến năm 2015 có 20% số xã cơ bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại lựa chọn các tiêu chí cụ thể trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện. Đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; có 4 huyện, thị, thành phố đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, Tuần Giáo và T.P Điện Biên Phủ). Chủ thể xây dựng nông thôn mới là nông dân; dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ, tránh tình trạng cán bộ “ngồi bàn giấy” thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để đầu tư các chương trình, dự án tại cơ sở nhưng lại không phù hợp điều kiện thực tế, phải chỉnh sửa nhiều lần gây lãng phí, tốn kém tiền của Nhà nước.

\\"\\"
Áp dụng KHKT vào canh tác lúa nước sẽ góp phần ổn định an ninh lương thực cho nhân dân.

Tuy nhiên, phần lớn các chỉ tiêu đặt ra của Đề án xây dựng nông thôn mới đều cao hoặc diễn ra với tốc độ “rùa bò” so với điều kiện thực tại và cả tương lai phấn đấu gần 10 năm tới. Ví như, vấn đề quy hoạch. Lẽ ra trong năm 2011 chúng ta phải thông qua được quy hoạch chung các xã xây dựng nông thôn mới. Tất cả 19 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí quốc gia có thực hiện đúng và trúng hay không đều phụ thuộc vào quy hoạch chung. Mặc dù công tác quy hoạch được xác định là rất quan trọng, nhưng với đà này, có thể đến hết năm 2012 (nghĩa là chậm mất 2 năm) vậy mà chúng ta vẫn chưa thông qua được quy hoạch chung. Theo ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì: Tỉnh không thể đi làm thay vấn đề quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cho từng huyện và các xã được. Mà các địa phương căn cứ tình hình, điều kiện thực tế để xây dựng cho phù hợp. Ngoài Thanh Chăn là xã điểm xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh chọn thêm xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) để quy hoạch chung. Từ “mô hình điểm” của 2 xã này, các địa phương nghiên cứu, học tập, áp dụng vào điều kiện thực tế địa phương. Qua đây cho thấy, kể cả cán bộ cũng chưa nắm vững phân cấp quản lý, quyền hạn của mình trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới chứ nói gì đến người dân.

Xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ - TTg là chủ trương đầy mơ ước của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, lấy kinh phí ở đâu để thực hiện mới là vấn đề cần bàn. Mặc dù tỉnh đã cho phép thực hiện đa dạng hoá, lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, nhưng trong bối cảnh lạm phát thì “sờ đâu cũng không thấy tiền”. Về chỉ tiêu giao thông, theo ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Hiện tại, đường xã mới “cứng hoá” được khoảng 4,6%. Đến năm 2015 (nghĩa là còn khoảng 3 năm nữa) vậy mà chúng ta đề ra mục tiêu rải nhựa hoặc đổ bê tông đường giao thông nông thôn đạt 35% là quá cao, không khả thi.

Chỉ tiêu về điện được xem là thuận lợi hơn, nhờ tỉnh đang thụ hưởng dự án đầu tư của nước ngoài với tổng kinh phí 321 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn 36/112 xã, phường, thị trấn. Vậy nhưng theo lãnh đạo ngành Công Thương thì số tiền trên xây dựng hoàn thiện các tuyến phụ tải, nâng cao chất lượng điện thương phẩm, khoảng cách an toàn, trạm biến áp phân phối... đạt tiêu chuẩn theo quy định cũng không dễ. Ông Lê Trọng Khôi, Bí thư Huyện uỷ Điện Biên thì quan tâm đến việc: Huyện nông thôn mới phải có 70% số xã trở lên đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Thuận lợi như xã Thanh Chăn, được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều kinh phí kiến thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực... vậy mà sau 3 năm thực hiện mới có 9/19 tiêu chí đạt yêu cầu; có 7/19 tiêu chí đạt một số nội dung, 3/19 chỉ tiêu chưa đạt. Trong số các chỉ tiêu còn lại, thì chỉ tiêu về chuyển đổi ngành nghề cho từ 70% trở lên lao động nông thôn rất khó thực hiện. Lý do là hiện nay, lực lượng lao động trong độ tuổi có trình độ học vấn của xã thấp hoặc chưa qua đào tạo rất nhiều. Thanh Chăn là xã thuần nông, các xã lân cận vùng lòng chảo huyện Điện Biên cũng vậy. Và nữa, tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Điện Biên nói riêng hơn 90% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp. Xây dựng huyện nông thôn mới trên “nền” như vậy thì khó khăn là điều đương nhiên. Tiêu chí về tăng thu nhập cho nông dân theo Quyết định 497 từ 1,2 - 1,4 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới cũng là thách thức đối với chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên. Do vậy, ông Lê Trọng Khôi cho rằng: Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ thành lập bộ tiêu chí riêng mang tính đặc thù cho địa phương. Có như vậy, chủ trương xây dựng huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 mới có “cơ hội” trở thành hiện thực.

Khái toán của cơ quan chuyên môn, xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2020 cần khoảng 450 tỷ đồng/xã, trong khi nguồn vốn nông thôn mới chỉ bố trí được 50 tỷ đồng/xã, số còn lại sử dụng lồng ghép các nguồn khác. Với 4 huyện nghèo được hưởng lợi Nghị quyết 30a thì tiến trình xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Do riêng nguồn vốn 30a đến năm 2020 Nhà nước đầu tư gần 24.000 tỷ đồng, bình quân mỗi huyện gần 6.000 tỷ đồng. Với 5 huyện, thị còn lại xoay xở đâu ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để xây dựng nông thôn mới?

Từ khó khăn về vốn, theo ý kiến các đại biểu, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới. Vì rằng, ngoài nguồn vốn chủ đạo của Nhà nước thì bà con cũng nên “chung tay góp sức” trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ đóng góp bằng tiền theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong quá trình kiến thiết hạ tầng cơ sở, Nhà nước phải lấy rất nhiều đất đai mở đường giao thông, xây dựng trạm y tế, trường học, kéo đường điện... Các công trình, dự án đi qua đất nhà nào, gia đình ấy nên đồng tình ủng hộ, có thể là hiến đất hoặc chỉ lấy phần đền bù rất nhỏ, không nên gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Mục đích cốt yếu và sâu xa nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là để phục vụ lợi ích nhân dân. Do đó dù ít, dù nhiều mỗi người dân hãy biết hy sinh cái riêng để phục vụ lợi ích chung.

                                                                         Theo baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 956.114
Online: 47