Công trình thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và phương án xây dựng, với hai Nghị quyết quan trọng ban hành giữa năm 2001 và cuối năm 2002. Ðặc biệt coi trọng công tác di dân, tái định cư, cho nên Quốc hội đã giao Chính phủ: Xây dựng dự án tổng thể về tái định cư theo phương châm giải quyết tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thí điểm xây dựng các khu tái định cư để rút kinh nghiệm
Phương án tổng thể phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, bảo đảm cho nhân dân diện di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.
Trong tổng vốn dự toán gần 43.000 tỷ đồng của công trình thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á này, vốn Nhà nước tham gia đầu tư vào dự án khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó phần góp vào xây dựng Nhà máy 4.000 tỷ đồng (theo phương thức Nhà nước cho chủ đầu tư là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam - EVN vay, Ngân hàng Phát triển - NHPT đã ký Hợp đồng tín dụng cho vay đối với phần Nhà máy Thủy điện Sơn La là 4.000 tỷ đồng, cho vay di dân tái định cư 3.531 tỷ đồng và 400 triệu USD nhập khẩu thiết bị.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác di dân, tái định cư quyết định sự thành công của toàn dự án và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và hơn thế còn lan tỏa trong khu vực Tây Bắc, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Sơn La những năm qua đã đoàn kết, đồng thuận, tích cực và sáng tạo thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng này. Từ khi khởi công đến nay, lãnh đạo tỉnh, các ban quản lý dự án đã phối hợp với NHPT cấp phát hơn 7.264 tỷ đồng đúng tiến độ, đúng chế độ Nhà nước quy định để bồi thường thiệt hại về đất, tài sản, hỗ trợ tái định cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho 12.584 hộ dân phải di chuyển từ lòng hồ và nơi xây nhà máy đến nơi ở mới và hơn 8.000 hộ dân sở tại nhường đất xây dựng khu, điểm tái định cư.
Có thể nói, nhờ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tình đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nhà máy Thủy điện Sơn La và phần lớn các công trình liên quan (trong đó quan trọng nhất là các dự án tái định cư) đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, viết tiếp khúc giữa của bản hùng ca khai thác và thuần dưỡng sông Ðà. Dòng điện từ năm tổ máy hoàn thành tại đây đã hòa lưới điện quốc gia bởi nguồn nước được tích tụ hơn chín tỷ mét khối trong một hồ nước mênh mông rộng tới 224 km2 trên độ cao 215 m giữa lưng chừng núi rừng đại ngàn Tây Bắc.
Trong bản hùng ca này, khúc giữa sông Ðà trên địa bàn Sơn La là hoành tráng nhất, với hợp âm chủ là Nhà máy Thủy điện có tổng công suất 2.400 MW. Khởi đầu là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (do Liên Xô giúp ta xây dựng từ năm 1978 đến 1989 hoàn thành) tổng công suất 1.920 MW. Và mới đây (tiếp theo Thủy điện Sơn La) là Thủy điện Lai Châu vừa làm lễ ngăn sông để xây nhà máy tổng công suất 1.200 MW - đối với công trình này, NHPT đã ký Hợp đồng tín dụng cho vay 4.600 tỷ đồng. Song song với những tiếng dương cầm rầm rộ đó còn có những tiết tấu nhạc du dương, uyển chuyển bởi tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn bầu trong bản Tình ca Tây Bắc thời hiện đại, đó là chín công trình thủy điện nhỏ ở bốn huyện khó khăn nhất tỉnh Sơn La do NHPT - Chi nhánh Sơn La cung cấp 2.200 tỷ đồng vốn tín dụng Nhà nước. Và hàng chục công trình thủy điện nhỏ và vừa ở hai tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu. Những công trình này đang góp phần đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bản trường ca sông Ðà đã, đang và tiếp tục ngân vang, lan tỏa theo không gian và thời gian, ghi nhận sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ công nhân, nông dân, giới công thương nghiệp và cán bộ, nhân viên các ngành thuộc đại gia đình các dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là bản trường ca bất tận về những thành tựu ngày càng to lớn hơn trong quá trình đổi mới và phát triển ở một trong những vùng xa xôi, khó khăn nhất của Tổ quốc.
Theo nhandan.com.vn