Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Trong quá trình phát triển, con người đều có những phương thức khác nhau tạo ra của cải vật chất để tồn tại và tiếp tục phát triển. Ở mỗi thời đại kinh tế, đều có phương thức đặc thù tạo ra của cải tuỳ thuộc vào sự phối hợp giữa tổ hợp các yếu tố đầu vào

Lịch sử cho thấy, ở mỗi thời đại kinh tế, đều nổi lên một yếu tố căn bản nhất để tạo ra của cải. Chẳng hạn, ở thời đại kinh tế nông nghiệp, thì nguồn lực chi phối chủ yếu là đất đai gắn liền với lao động cơ bắp. Ở thời đại kinh tế công nghiệp (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất), gắn liền với máy hơi nước; ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, nguồn lực chi phối chủ yếu lại là máy móc, vốn hiện vật, và vốn tài chính; và đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, gắn liền với sự xuất hiện của internet. Nhưng, ở thời đại kinh tế tri thức, nguồn lực tri thức lại vươn lên đứng hàng đầu. Tri thức quyết định hiệu năng của các nguồn lực khác như: Lao động, tài nguyên, vốn hiện vật. Điều này cho thấy, nếu ở cuộc cách mạng đại công nghiệp (cuộc cách mạng lần thứ hai), khi xuất hiện năng lượng điện đã dẫn tới hình thành sản xuất tập trung và sản xuất hàng loạt. Về căn bản, sản xuất ở thời kỳ này về cơ bản là sản xuất cho người khác; bản chất xã hội của sản xuất công nghiệp là kinh tế thị trường; và không gian kinh tế chỉ giới hạn ở cấp quốc gia.

Nhưng ở thời đại kinh tế tri thức, tính chất sản xuất lại mang tính linh hoạt, phi tập trung. Sản xuất theo dây chuyền có lẽ không còn là cần thiết nữa, mà gắn với công nghệ cao và dịch vụ. Thay vì sản xuất hàng loạt như ở thời đại công nghiệp, thì việc sản xuất để thoả mãn theo nhu cầu cá biệt hoá được đặt lên hàng đầu. Và, rõ ràng, việc sử dụng các nguồn năng lượng như: Than, dầu mỏ,… để tạo ra của cải vật chất không còn là các yếu tố chủ đạo. Thay vào đó, tri thức được thể hiện vai trò rất quan trọng trong những công nghệ mới, như: IT, nano, gen, vật liệu mới. Điều này hàm ý, việc sử dụng năng lượng để tạo ra của cải vật chất dường như đã có những nhận thức mới. 

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã sử dụng nhiều dạng năng lượng khác nhau cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có năng lượng điện. Ở năng lượng này, năm 2011, các nhà máy thuỷ điện sản xuất 41,1 tỷ kWh, chiếm gần 41% sản lượng điện sản xuất của cả nước. Điều này cho thấy, thuỷ điện đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số dự án thuỷ điện đã bộc lộ những khiếm khuyết, bất cập, gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Để giải quyết vấn đề trên, ngày 14/1/2013 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 17/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về các giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2 được tổ chức ngày 21/11/2012. Một trong những nội dung quan trọng của Thông báo này là đã đưa ra yêu cầu của Thủ tướng là: phải đảm bảo an toàn, an toàn về hồ đập, an toàn về tính mạng của nhân dân. Đây là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không được làm.

Nước ta đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và năng lực nhằm tạo ra bước đột phá phát triển, cất cánh và tăng tốc để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, việc phát triển điện năng (là một trong những nguồn năng lượng của một trong những yếu tố đầu vào) cho quá trình phát triển vẫn là điều cần thiết. Tuy vậy, việc phát triển thuỷ điện cần phải gắn với tính hợp lý và bền vững khi chuẩn bị các dự án thủy điện, tránh những bất ổn đã diễn ra ở một số thuỷ điện như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu. 

Như vậy, để phát triển thuỷ điện bền vững, dù có muốn đi tắt để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án thì các phân tích toàn diện về điều kiện cơ sở của dự án (gồm các phương diện kỹ thuật, kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường) đặc biệt cần thiết, vì các phân tích này cung cấp nhiều thông tin khác, ngoài việc trả lời câu hỏi về tính khả thi của dự án. Các nhóm dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan chính đều sẽ có lợi nếu các chính sách đảm bảo an toàn môi trường và xã hội được coi như một cơ hội phát triển, chứ không chỉ đơn giản là vấn đề cần bắt buộc tuân thủ. Cần linh hoạt trong quá trình chuẩn bị và sẵn sàng để chỉnh sửa các phần nội dung trong thiết kế dự án cho phù hợp với các thông tin mới thu nhận được. Xây dựng và thực hiện một kế hoạch truyền thông. Phải đảm bảo tính minh bạch và chia sẻ thông tin ngay từ giai đoạn đầu. Công bố thông tin cho người dân, trừ trường hợp có nguyên nhân rất quan trọng để không công bố thông tin…

                                                                                                         Theo dangcongsan.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 975.812
Online: 30