Nhằm mục tiêu đến năm 2020, bảo tồn và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả được 0,57 triệu ha diện tích rừng nguyên sinh tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ; bảo vệ và phát triển bền vững khoảng 60.000 ha diện tích rừng ngập mặn tự nhiên; xây dựng kế hoạch phát triển 12 trạm/trung tâm cứu hộ động vật trên phạm vi cả nước và 03 ngân hàng gen tại vùng đồng bằng sông Hồng..., ngày 08/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tổn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Quy hoạch được thực hiện trên 08 vùng địa lý trong phạm vi cả nước theo 04 đối tượng: Hệ sinh thái tự nhiên; Khu bảo tồn; Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Hành lang đa dạng sinh học cụ với các nội dung chính như: Thành lập và đưa vào hoạt động 01 hành lang đa dạng sinh học với diện tích khoảng 506 ha ở vùng Đông Bắc; nâng cấp, thành lập 01 trung tâm cứu hộ động vật, 01 vườn cây thuốc khu vực Tây Bắc và 02 trung tâm cứu hộ động vật, 01 vườn thực vật, 01 vườn động vật, 01 vườn cây thuốc, 03 ngân hàng gen ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bền vững 30.000 ha hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên, hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Phú Quốc...
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan có trách nhiệm điều tra, nghiên cứu xác định các tiêu chí phân vùng sinh thái trên phạm vi cả nước; xác định các vùng có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện quy hoạch, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
T_2H