Ngày 12-12-2023, tại Trung tâm Hội nghị thị xã, Thị uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Mường Lay đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng thị xã Mường Lay - Ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu (12/12/1953 - 12/12/2023).
Đồng chí Ngôn Ngọc Khuê - Bí thư Thị uỷ Mường Lay đã có bài Diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của thị xã trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển. Trang Thông tin điện tử thị xã Mường Lay trân trọng giới thiệu toàn văn bài Diễn văn.
Kính thưa đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Thưa toàn thể đồng chí và đồng bào!
Hòa trong không khí tưng bừng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thị xã Mường Lay đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, hướng tới kỷ niệm các sự kiện lịch sử của đất nước và của tỉnh, thị xã năm 2024. Được sự nhất trí của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên; hôm nay, Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thị xã Mường Lay long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng thị xã Mường Lay - Ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu (12/12/1953 - 12/12/2023). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp của Nhân dân các dân tộc thị xã. Tại buổi lễ long trọng này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị xã, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ; cùng quý vị đại biểu, khách quý và Nhân dân các dân tộc thị xã… lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Trong giờ phút thiêng liêng này, với niềm tự hào và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Chúng ta tưởng nhớ - biết ơn các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; những đồng chí, đồng bào đã nêu cao tấm gương sáng trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất vì sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã Mường Lay trong 70 năm qua.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Thị xã Mường Lay ngày nay - thủ phủ của tỉnh Lai châu trước kia, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hoá; cái nôi văn hóa của đồng bào Thái, ngành Thái trắng ở Tây Bắc, mảnh đất ghi dấu ấn của biết bao người con ưu tú làm rạng ngời cho quê hương, đất nước.
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ, thị xã Mường Lay ngày nay thuộc bộ Tân Hưng. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc thị xã Mường Lay luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương đất nước.
Ngay sau khi chiếm được Lai Châu vào tháng 4/1890, thực dân Pháp đã dùng nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc, nham hiểm để cai trị và bóc lột nhân dân các dân tộc. Chúng lôi kéo, mua chuộc, tuyển mộ lực lượng lính là người Thái, Mông, Khơ Mú.... để xây dựng bộ máy ngụy quyền tay sai ở Châu Lai, nhiều phìa, tạo ở các Châu, Mường đã làm tay sai cho thực dân Pháp; nhằm mục đích "dùng người địa phương trị người địa phương". Hệ thống nguỵ quân ở Châu Lai gồm: Châu đoàn, tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, lính cơ để bảo vệ các chức dịch do tỉnh trưởng Đèo Văn Long thành lập để đi đàn áp, cướp bóc các dân tộc khác…
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, tỉnh Lai Châu có châu Quỳnh Nhai giành được chính quyền, không khí cách mạng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và Mường Lay. Lần đầu tiên, đồng bào các dân tộc Châu Lai được tiếp xúc với cán bộ Việt Minh, biết Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - đó là tiền đề quan trọng cho hoạt động vũ trang tuyên truyền gây dựng cơ sở và hoạt động sau này.
Năm 1948, thực dân Pháp lập ra "xứ Thái tự trị" nhằm lừa bịp, mua chuộc dân tộc Thái, gây mâu thuẫn các dân tộc. Chúng chia rẽ dân tộc Thái và dân tộc Mông, chĩa mũi nhọn vào dân tộc Kinh. Chúng chia rẽ cả trong nội bộ dân tộc: giữa Thái trắng với Thái đen; chúng thực hiện chính sách ngu dân, không mở trường học, chỉ xây dựng trường tiểu học Lai Châu để dành cho con em quan chức địa phương và những người giàu có, người có thế lực. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Châu Lai vô cùng cực khổ, bị bần cùng hoá, nghèo đói, bệnh tật... mâu thuẫn giữa Nhân dân các dân tộc với thực dân Pháp và bọn tay sai ngày càng gay gắt. Đồng bào các dân tộc với lòng căm thù giặc sâu sắc, nóng lòng chờ đón cán bộ cách mạng đến giác ngộ, lãnh đạo để đi theo cách mạng, giải phóng quê hương.
Cùng thời điểm đó, hoạt động của các đơn vị vũ trang đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nhiều thanh niên các dân tộc đã hăng hái gia nhập hàng ngũ kháng chiến, hàng trăm gia đình không sợ địch khủng bố, tù đày đã nhường cơm sẻ áo, nuôi giấu, che chở cán bộ, dẫn đường, liên lạc cho bộ đội, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng khu du kích. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, tháng 8/1951, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu ra Nghị quyết thành lập Ban Cán sự Đảng liên huyện Tuần-Lai, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phong trào đấu tranh của Nhân dân các dân tộc Mường Lay. Những quần chúng trung kiên, những đảng viên đầu tiên là người địa phương đã trở thành những hạt giống tốt của phong trào cách mạng, vận động Nhân dân đấu tranh với giặc, giữ bí mật, bảo vệ cán bộ... nhờ sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng ở Mường Lay trở thành một bộ phận khăng khít trong phong trào cách mạng của cả tỉnh.
Tháng 9/1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Nhân dân và một phần đất đai ở Tây Bắc, phá tan "Xứ Thái tự trị", tạo đà tiến lên giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Lai Châu có 03 huyện được giải phóng hoàn toàn là Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, phần lớn huyện Sình Hồ và một phần huyện Châu Lai cũng được giải phóng. Tuy vậy, lực lượng địch vẫn còn mạnh, chúng rút chạy về thị trấn Mường Lay tập trung củng cố lại lực lượng, tổ chức các cuộc hành quân để chiếm lại những vùng đất đã bị mất. Âm mưu của chúng là chiếm lại Lai Châu và toàn bộ khu Tây Bắc.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954), chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính, quân ta tấn công địch ở Lai Châu. Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công giải phóng thủ phủ Lai Châu, chặn địch không cho chúng rút về Điện Biên Phủ, giải phóng các huyện phía Bắc của tỉnh. Đại Đoàn trưởng quyết định đưa Tiểu đoàn 439 do Phó Chính ủy Trung đoàn Phạm Quang Vinh phụ trách tiến gấp lên phía bắc giải phóng Lai Châu. Rạng sáng ngày 08/12/1953, bộ đội ta nổ súng tấn công đồn Pa Ham, tiêu diệt 02 đại đội địch và gọi hàng 02 đại đội khác. Đêm 09/12/1953, bộ đội ta nổ súng trên bờ sông Nậm Mức. Đêm 10/12/1953, hai tiểu đoàn địch đóng ở Đèo Clavô nghe tin đồn Pa Ham thất thủ, một số binh lính liền bỏ chạy về thị xã. Sáng ngày 11/12/1953, thừa thắng, quân ta nhanh chóng tiến về thị xã. Giặc hoảng hốt, vội vã tháo chạy về phía Tây. Ngày 12/12/1953, huyện Châu Lai và thủ phủ Lai Châu được giải phóng, đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khổ của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, là mốc son lịch sử minh chứng cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, tấm lòng thủy chung son sắt của đồng chí, đồng bào các dân tộc Mường Lay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Thị xã được giải phóng, đã góp phần rất quan trọng làm tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn địch rút và tăng cường lực lượng cho Điện Biên Phủ; Chuẩn bị về vật chất và tinh thần để ta mở cuộc tiến công giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Nhân ngày giải phóng Lai Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi thư động viên và dặn dò đồng bào và cán bộ Lai Châu. Buổi chiều 12/12/1953, đồng bào các dân tộc thị xã đã tập trung tại Đồi Cao nghe anh bộ đội dân tộc Thái đọc Bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Trong thư Người viết:
"Thân ái gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào. Ngày nay, đồng bào được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ. Sau đây, tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng:
1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.
2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.
3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.
4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng. Cán bộ thì phải thật sự gần gũi, giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Chúc đồng bào và cán bộ mạnh khỏe và cố gắng. Chào thân ái và quyết thắng".
Những lời căn dặn của Người trong thư, nhân ngày giải phóng là tài sản tinh thần vô giá, là động lực to lớn giúp Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc thị xã vượt qua mọi khó khăn cùng với tỉnh, cả nước tiến lên trong sự nghiệp xây dựng và Tổ quốc.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Thực hiện lời Bác dặn, ngay sau ngày giải phóng, chính quyền và Nhân dân thị xã đã nỗ lực không ngừng, cùng với Nhân dân các dân tộc Tây Bắc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị xã huy động sức người, sức của tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đã huy động 49 tấn gạo, 26 tấn thịt, 3.849 người đi dân công, 26 thuyền, 160 con ngựa và cử nhiều đơn vị dân quân, du kích trực tiếp tham gia cùng bộ đội đánh địch… góp phần vào thành tích chung của tỉnh, cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Mường Lay cùng với Nhân dân Miền Bắc đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và những khó khăn của nền kinh tế... phát huy truyền thống cần cù, dũng cảm, Nhân dân đã sáng tạo, vượt mọi khó khăn, thách thức, tích cực đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế; Nhiệm vụ cấp bách là "diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự" như lời dạy của Bác, được tiến hành kiên quyết, triệt để, đã tạo được thế ổn định về chính trị, khôi phục về kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh ủy Lai Châu, Đảng bộ Mường Lay đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trên địa bàn vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, trong thắng lợi vĩ đại đó, có góp phần của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thị xã.
Trước xu thế phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, ngày 08/10/1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Từ đây, thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, là đô thị đầu tiên của tỉnh Lai Châu trước đây và hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu ngày nay.
Trong đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân các dân tộc thị xã đã cùng cả tỉnh và cả nước, dũng cảm, ngoan cường, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
70 năm sau ngày giải phóng, thị xã Lai châu với 24 năm giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lai châu cũ. Thị xã Lai Châu đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong bước đường phát triển: thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp; nặng nề nhất là hai cơn lũ lịch sử năm 1990 và năm 1996 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng cũng như công sức bao năm dày công gây dựng; Nhân dân các dân tộc thị xã tiếp tục gồng mình khắc phục hậu quả, vượt khó đi lên, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 1995, các cơ quan của tỉnh chuyển về Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu không còn là thị xã tỉnh lỵ. Năm 2001, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định xây dựng thuỷ điện Sơn La với mức nước dâng ở Cos 215m, toàn bộ hạ tầng cơ sở, địa bàn dân cư của thị xã nằm trong vùng lòng hồ, phải di dân tái định cư. Hơn 10 năm trong tình trạng không ổn định, thị xã đi hay ở, tồn tại hay không tồn tại…? Cũng thời gian này, thị xã không được đầu tư xây dựng, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp, Nhân dân không dám đầu tư vào sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, trước nhu cầu phát triển, Chính phủ quyết định chia tách tỉnh Lai Châu thành 02 tỉnh: Tỉnh Lai Châu mới và tỉnh Điện Biên. Thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Điện Biên, địa bàn hành chính bị thu hẹp chỉ còn 02 phường, dân số giảm, đội ngũ cán bộ tiếp tục xáo động, khó khăn chồng chất, lòng dân chưa yên… Cũng trong năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 196 về phê duyệt tổng thể di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, trong đó có thị xã Lai Châu. Tháng 3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP, trong đó: “Điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập xã Lay Nưa (thuộc huyện Mường Lay) vào thị xã để mở rộng thị xã Lai Châu và đổi tên thị xã Lai Châu thành thị xã Mường Lay”. Trong một quá trình dài, với những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi nhưng địa danh: Châu Lai - thị trấn Mường Lay - thị trấn Lai Châu - thị xã Lai Châu - thị xã Mường Lay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, điều này đã đáp ứng niềm mong đợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt, vốn có của Nhân dân các dân tộc thị xã, với quyết tâm được gắn bó, xây dựng, phát triển tại mảnh đất linh thiêng nơi ngã ba sông.
Từ năm 2006-2016, thị xã bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức nhưng cũng là thời cơ mới: "Thực hiện công cuộc di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La - xây dựng tái thiết đô thị mới". Đây cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tiến hành đồng thời 02 nhiệm vụ quan trọng: “Vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Vừa thực hiện di dân tái định cư - tái thiết đô thị”. Việc di dời tái định cư phục vụ xây dựng lòng hồ thuộc dự án thuỷ điện Sơn La được Đảng bộ, chính quyền thị xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là thời cơ để quy hoạch, phát triển và xây dựng thị xã nên đã tập trung lãnh đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và quyết tâm phấn đấu thực hiện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Kết quả, đã di dời tái định cư cho 4.343 hộ, gồm: tái định cư tạm thời đến tái định cư chính thức; tái định cư tại chỗ, tái định cư ngoài vùng, tái định cư tự nguyện; tái định cư cả một đô thị… Hoàn thành quy hoạch 5/5 khu điểm tái định cư; phê duyệt 1.053 phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, với số vốn được duyệt lên đến hơn 7000 tỷ đồng. Hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu đảm bảo phục vụ ổn định đời sống Nhân dân. Thị xã đã"di dời được lòng dân" - thành công lớn nhất trong di dời tái định cư tại thị xã Mường Lay là việc di chuyển hàng nghìn hộ dân nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân; đảm bảo đúng tiến độ thực hiện dự án không để xảy ra tình trạng cưỡng chế; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Thời kỳ này thị xã được đầu cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ mang bóng dáng của một đô thị hiện đại. Đời sống Nhân dân ngày càng ổn định và được nâng lên. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, vào sự phát triển của thị xã.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay đã vượt lên trên tất cả những khó khăn, thử thách để cống hiến và viết nên trang sử cách mạng hết sức vẻ vang, hào hùng, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực:
Đến năm 2023, Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/ người/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt 3.865,02 tấn; chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đa dạng các mặt hàng phục vụ du lịch và nhu cầu tiêu dùng của đô thị; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,... góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng lương thực; triển khai các mô hình phát triển kinh tế như: mô hình trồng quế, trồng cây dược liệu dưới tán rừng… tăng cường nhiều giải pháp để thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân; Năm 2017, xã Lay Nưa được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 03 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết và đến năm 2022, xã Lay Nưa là đơn vị đầu tiên của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 04 bản đã được công nhận là bản kiểu mẫu. Thời gian tới, dự kiến thị xã Mường Lay sẽ là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn Nông thôn mới cấp huyện.
Cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị đã đổi thay với những công sở được xây dựng khang trang, hiện đại; các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú Home stay… được đầu tư mở rộng; nhiều công trình dự án được xây dựng, đang từng bước hoàn thiện; các tuyến đường nội thị được rải áp phan, hệ thống đèn chiếu sáng đô thị được đầu tư, chỉnh trang đồng bộ; hệ thống cây xanh đa dạng phát triển tốt là điểm nhấn cho thị xã sáng - xanh - sạch - đẹp; các công trình nhà ở, đặc biệt là những khu phố nhà sàn lợp đá của đồng báo Thái trắng soi bóng xuống dòng Đà giang tạo nên một vẻ đẹp của "phố trong bản", "trên bến dưới thuyền" đặc trưng, riêng có của thị xã Mường Lay. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có lòng hồ thuỷ điện Sơn La, khí hậu mát mẻ, trong lành, thị xã có nhiều tiềm năng, thế mạnh để khai thác phục vụ cho phát triển các loại hình du lịch, như: du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, lịch sử; du lịch trải nghiệm... Dự án xây dựng Khu Văn hóa tâm linh đang được triển khai thực hiện, Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống và Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia được tổ chức hàng năm hứa hẹn là sự trải nghiệm cho lý thú cho du khách và là điểm dừng chân thú vị trong tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ với nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Chất lượng giáo dục duy trì ổn định và từng bước nâng lên, tiếp tục giữ vững và nâng cao tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục; đã triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, các cơ sở khám chữa được đầu tư xây dựng khá khang trang, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong và ngoài thị xã. Các thiết chế văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư đồng bộ; Công tác xóa đói, giảm nghèo được thường xuyên chăm lo thực hiện tốt. Các chính sách an sinh và mạng lưới bảo trợ xã hội ngày càng được hoàn thiện.
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được củng cố vững chắc; phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh luôn được chú trọng; phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ thị đến cơ sở không ngừng được đổi mới. Từ 07 chi bộ, 72 đảng viên khi thành lập, đến nay, Đảng bộ thị xã đã có 35 chi, đảng bộ trực thuộc, với 1.220 đảng viên. Hệ thống chính trị các cấp vận hành đồng bộ. Tổ chức bộ máy chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức được chú trọng. Năng lực thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên.
Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần tích cực, hiệu quả tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Ghi nhận những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay đã vinh dự được Đảng và Nhà nước, Chính phủ và tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều cờ và Bằng khen khác... Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong thị xã vững bước tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới.
Nhìn lại chặng đường 70 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc thị xã tự hào về những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Đề nghị quý vị đại biểu nhiệt liệt chúc mừng những thành tích to lớn mà thị xã Mường Lay đã đạt được trong 70 năm qua.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Thành tựu 70 năm qua của thị xã Mường Lay là rất to lớn và đáng để tự hào, tiếp tục thực hiện lời Bác dạy; thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, LLVT và Nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa các Nghị quyết của cấp trên thành chương trình hành động, kế hoạch một cách thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của thị xã. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 các khóa gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, vận động Nhân dân chuyển đổi ngành nghề; tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Ba là, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; chuyển đổi số. Thực hiện hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện.
Bốn là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Tiếp tục củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thực hiện mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV.
Ở thời điểm quan trọng này, chúng ta nhìn lại quá khứ để tự hào, hướng tới tương lai để tin tưởng. Thay mặt Thị uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN thị xã, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc thị xã thực hiện 4 điều Bác dạy: Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh trật tự; Phát triển kinh tế- xã hội; Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; tiếp tục khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để xây dựng thị xã Mường Lay ngày càng giàu đẹp và bền vững.
Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của Chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn !
Một số hình ảnh tại buổi Lễ: