Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, nơi hợp lưu của Sông Đà, Sông Nậm Na và suối Nậm Lay, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) hiện lên như một “viên ngọc quý” với những giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo, gắn liền với thiên nhiên hùng vĩ, đời sống cộng đồng và những giá trị truyền thống lâu đời - tiêu biểu là giá trị văn hóa của dân tộc Thái ngành Thái trắng. Trong đó, hệ thống nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái nơi đây - không chỉ là không gian sống mà còn là linh hồn của một nền văn hóa lâu đời - nơi nuôi dưỡng con người, gìn giữ phong tục, tạo nên mạch chảy văn hóa không bao giờ cạn.

(1) Mường Lay - “Thủ phủ” của người Thái trắng và câu chuyện về những ngôi nhà sàn

Thị xã Mường Lay có tổng diện tích tự nhiên là 11.266,56 ha, địa giới hành chính gồm 02 phường, 01 xã, nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài; là nơi sinh sống của 09 dân tộc (trong đó, dân tộc Thái ngành Thái trắng chiếm gần 70% dân số); bởi vậy, nơi đây được coi là thủ phủ, là trung tâm văn hóa của dân tộc Thái ngành Thái trắng của vùng Tây Bắc. Cộng đồng dân tộc Thái ngành Thái trắng tại thị xã có nhiều đóng góp đối với hai di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh: “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, “Nghệ thuật Xòe Thái”; hiện đang lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ Then Kin Pang, nghệ thuật xòe Thái, tri thức dân gian nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp; Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống hàng năm và nhiều loại hình di sản khác.

Mường Lay là vùng đất còn bảo tồn được hệ thống nhà sàn cổ truyền thống với mật độ dày đặc, quy hoạch bài bản nhất Việt Nam, theo thống kê toàn thị xã hiện mật độ đạt 10,58 nhà/km², vượt xa so với các địa phương có đông người Thái trắng sinh sống như thị xã Mộc Châu, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La hay huyện Phong Thổ, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đây không chỉ là con số thống kê đơn thuần, mà còn là minh chứng sống động cho nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng người Thái trắng tại thị xã Mường Lay.

Hiện nay, tổng số hộ dân có nhà sàn truyền thống trên địa bàn thị xã là 1.192 hộ/3.198 hộ trên địa bàn, trong đó nhà sàn lợp mái đá đen: 253 hộ, lợp mái tôn 293, lợp mái ngói: 335, mái lợp bằng chất liệu khác: 311 hộ… Mường Lay xứng đáng được xem là “bảo tàng sống” nơi hội tụ, lưu giữ tri thức dân gian về nhà sàn truyền thống trong văn hóa của đồng bào Thái, ngành Thái trắng.

(2) Nhà sàn người Thái trắng thị xã Mường Lay - chiếc nôi của văn hóa và cuộc sống

Nằm bên dòng sông Đà hùng vĩ, thị xã Mường Lay là nơi cộng đồng người Thái trắng đã sinh sống và gắn bó từ bao đời nay. Với bề dày truyền thống văn hóa, người Thái trắng nơi đây đã gìn giữ và truyền nối những giá trị bản sắc độc đáo qua nhiều thế hệ. Trong kho tàng di sản văn hóa phong phú ấy, nhà sàn truyền thống không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng. Dưới những mái nhà sàn thân thuộc, các chàng trai, cô gái Thái cất tiếng khóc chào đời, lớn lên, nên duyên vợ chồng và dựng xây mái ấm. Trẻ thơ trưởng thành trong tiếng đàn tính vang vọng, trong những câu chuyện cổ tích ông bà hay kể bên ánh lửa bập bùng. Cũng tại không gian đậm đà bản sắc ấy, những điệu khắp, điệu xòe rộn ràng vang lên, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng bền chặt.

Không gian bên trong nhà sàn truyền thống của người Thái trắng được tổ chức một cách khoa học, phản ánh sâu sắc tư duy sinh hoạt đề cao tính cộng đồng và sự gắn kết gia đình. Gian thờ tổ tiên được bố trí tại vị trí trang trọng nhất trong nhà, thể hiện lòng thành kính đối với cội nguồn. Kề bên là gian để tiếp khách và không gian sinh hoạt chung, nơi lưu giữ những nét đẹp trong đời sống của đồng bào. Khu bếp lửa, trung tâm ấm áp của ngôi nhà, không chỉ là nơi quây quần sum họp mỗi buổi tối mà còn là nơi lưu truyền những câu chuyện kể dân gian, những lời ru ngọt ngào và tiếng hát dân ca đậm đà bản sắc dân tộc. Phần gầm sàn được tận dụng hợp lý để cất giữ nông cụ, lương thực như ngô, lúa..., thể hiện lối sống tiết kiệm, thích ứng linh hoạt với điều kiện tự nhiên của cộng đồng.

Nhà sàn còn giữ vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Tại đây thường xuyên diễn ra các sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa như lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi, các lễ hội truyền thống; đặc biệt là những điệu múa xòe uyển chuyển, những khúc dân ca sâu lắng, tiếng đàn tính ngân vang, tiếng trống rộn ràng trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Mỗi âm thanh, mỗi bước nhảy dưới mái nhà sàn như hòa quyện cùng hơi thở núi rừng, làm sống dậy cả một thế giới tâm linh phong phú và nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc.

Có thể thấy, dù nhịp sống hiện đại không ngừng thay đổi, nhà sàn truyền thống của người Thái trắng ở Mường Lay vẫn được gìn giữ như một biểu tượng văn hóa sống động, bền vững cùng thời gian. Không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, những ngôi nhà sàn còn là không gian lưu giữ linh hồn dân tộc, là nhịp đập của bản làng và là biểu tượng tự hào của bản sắc văn hóa Thái trắng giữa núi rừng Tây Bắc. Chính sự gắn bó bền chặt giữa con người với thiên nhiên, giữa hiện tại với cội nguồn, đã làm nên sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của nhà sàn trong đời sống cộng đồng hôm nay.

(3) Kiến trúc của bản sắc - tinh thần của đất và người

Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái trắng tại thị xã Mường Lay đã hình thành từ hàng trăm năm trước và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái trắng. Quá trình làm nhà sàn bắt đầu từ khâu lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu, trong đó gỗ là vật liệu chính để dựng khung, làm sàn và các bộ phận kết cấu nhà; mái nhà thường được lợp bằng ngói, đá đen hoặc tôn tùy theo điều kiện cụ thể. Gỗ sau khi khai thác hoặc mua về phải được ngâm dưới nước ít nhất một năm để gia tăng độ bền, chống mối mọt. Khi gỗ đã đạt độ bền yêu cầu, người ta vớt lên, phơi khô rồi tiến hành đo đạc, đục đẽo để chế tác thành cột, ván sàn, ván thưng, xà và kèo. Công đoạn dựng nhà bắt đầu bằng việc lắp ráp khung nhà, yêu cầu sự cẩn trọng và chính xác tuyệt đối. Tùy theo quy mô và kích thước của ngôi nhà, số lượng người tham gia dựng khung có thể dao động từ 15-20 người đối với nhà nhỏ, đến 50-70 người đối với những ngôi nhà lớn, cột to. Sau khi khung nhà được dựng xong, các công đoạn tiếp theo lần lượt là lát sàn, dựng ván thưng, lắp đòn tay và cuối cùng là lợp mái, hoàn thiện một ngôi nhà sàn bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

Nhà sàn của người Thái trắng với kết cấu chắc chắn và hài hòa với thiên nhiên. Ngôi nhà có hai cầu thang, được bố trí ở hai bên hồi nhà. Cầu thang phía trước là cầu thang chính, dẫn vào gian chính của ngôi nhà, trong khi cầu thang phía sau là cầu thang phụ, thường được đặt gần gian bếp để lên nhà. Số gian nhà có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào mỗi gia đình, nhưng theo quan niệm của người Thái trắng, tổng số gian phải luôn là số lẻ, vì họ tin rằng số lẻ là con số mang lại may mắn. Điều này cũng áp dụng cho số lượng cửa sổ và cửa chính, tất cả đều phải là con số lẻ. Ngoài ra, số bậc của mỗi cầu thang cũng phải là số lẻ, thể hiện sự tuân thủ chặt chẽ theo phong tục truyền thống.

Một đặc điểm nổi bật của nhà sàn người Thái trắng là phần mái của ngôi nhà. Mái nhà sàn của người Thái trắng có kết cấu vuông phẳng ở hai đầu hồi, khác biệt hoàn toàn so với nhà sàn của người Thái đen, nơi mái nhà thường được làm theo kiểu khum, giống hình dáng mai rùa. Đây là một yếu tố làm nên sự khác biệt rõ rệt giữa kiến trúc nhà sàn của các nhóm người Thái trong vùng.

Kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái trắng thị xã Mường Lay thể hiện đậm nét văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc. Đây là không gian diễn ra các hoạt động sinh hoạt, nghi lễ của gia đình, nơi các thành viên quây quần, nghỉ ngơi và trò chuyện sau những giờ lao động vất vả. Kiến trúc nhà sàn truyền thống phản ánh sự tài hoa, sáng tạo và tri thức sâu sắc về tự nhiên của các thế hệ đi trước. Qua từng chi tiết xây dựng, ngôi nhà sàn đã trở thành biểu tượng vững chắc cho niềm tin của các thế hệ sau trong việc xây dựng tổ ấm. Với những giá trị bền vững, tính thẩm mỹ, sự thông thoáng và an toàn, nhà sàn truyền thống không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là di sản văn hóa mang lại sự gắn kết cộng đồng và bảo vệ các giá trị truyền thống.

(4) Nỗ lực đưa không gian văn hóa đặc trưng đến danh hiệu kỷ lục quốc gia

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Với mục tiêu không chỉ tôn vinh giá trị di sản văn hóa của dân tộc Thái ngành Thái trắng mà còn quảng bá hình ảnh địa phương; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã Mường Lay đã triển khai một cách quyết liệt và đầy tâm huyết công tác xây dựng hồ sơ đề cử xác lập Kỷ lục Việt Nam “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam”.

Chỉ đạo sát sao Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, cùng UBND các xã, phường thực hiện công tác khảo sát, thống kê và thu thập dữ liệu về hệ thống nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái trắng. Các bước triển khai hồ sơ kỷ lục đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ đúng hướng dẫn, tiêu chí và quy trình của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

Ngày 06/02/2025, UBND thị xã Mường Lay đã chính thức gửi giấy đăng ký đề xuất kỷ lục đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Đồng thời, để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ, UBND thị xã cũng ban hành Văn bản số 509/UBND-VHKH&TT ngày 10/3/2025 đề nghị cung cấp thông tin về số lượng nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng từ UBND các huyện, thị xã như Quỳnh Nhai, Mộc Châu (Sơn La), Nậm Nhùn và Phong Thổ (Lai Châu).

Công tác này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và lòng tâm huyết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã Mường Lay trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định vị thế của thị xã trong việc gìn giữ di sản văn hóa dân tộc Thái trắng.

Xây dựng hồ sơ minh chứng khoa học

Hồ sơ minh chứng đề cử xác lập Kỷ lục Việt Nam của thị xã Mường Lay đã được xây dựng một cách khoa học và xác thực, đảm bảo tính khách quan và chính xác. Hồ sơ bao gồm các tài liệu quan trọng, với đầy đủ các yếu tố chứng minh cho việc thị xã sở hữu mật độ nhà sàn truyền thống cao nhất Việt Nam. Các tài liệu minh chứng cụ thể bao gồm:

(1). Giấy đăng ký Kỷ lục Việt Nam: tài liệu chính thức gửi đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam để đề xuất công nhận thị xã Mường Lay.

(2). Các tài liệu minh chứng:

- Hình ảnh thực tế, tư liệu video và phỏng vấn người dân về hệ thống nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái trắng tại thị xã Mường Lay, phản ánh chân thực và sinh động các đặc điểm văn hóa, kiến trúc của những ngôi nhà sàn đặc trưng.

- Kết quả thống kê mật độ nhà sàn/km2, cụ thể, tại các khu vực liên quan, mật độ nhà sàn được thống kê như sau:

+ Huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La: 1,24 nhà/km2

+ Thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La: 1,6 nhà/km2 (bao gồm cả Thái đen và Thái trắng).

+ Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu: 1,44 nhà/km2.

+ Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: 0,27 nhà/km2.

+ Thị xã Mường Lay: 10,58 nhà/km2.

Mật độ nhà sàn tại thị xã Mường Lay vượt trội so với các khu vực khác, chứng minh đây là nơi có sự tập trung lớn nhất của nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái trắng (1.192 hộ).

Các tài liệu và số liệu này được thu thập và kiểm chứng một cách khoa học, góp phần củng cố hồ sơ minh chứng cho việc đề cử và khẳng định sự độc đáo, giá trị của thị xã Mường Lay trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhà sàn truyền thống.

Danh hiệu Kỷ lục quốc gia

Hồ sơ đề cử Kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam” đã được hoàn tất và gửi đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đúng thời hạn, đảm bảo đầy đủ nội dung và tính thuyết phục cao. Sau quá trình xem xét và thẩm định kỹ lưỡng, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận và xác lập kỷ lục này cho thị xã Mường Lay. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định giá trị độc đáo và đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái trắng tại địa phương, đồng thời ghi nhận những nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của chính quyền và nhân dân thị xã Mường Lay.

Danh hiệu Kỷ lục Việt Nam "Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam" mà thị xã Mường Lay đạt được là một minh chứng rõ ràng cho giá trị đặc biệt và độc đáo của văn hóa truyền thống. Với mật độ nhà sàn cao nhất cả nước, Mường Lay không chỉ bảo tồn được một không gian sống gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc Thái mà còn khẳng định vị thế của mình như một "bảo tàng sống" của di sản nhà sàn truyền thống. Danh hiệu này không chỉ là sự ghi nhận công lao bảo tồn và phát huy di sản của cấp ủy, chính quyền và nhân dân mà còn khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của Mường Lay trong bức tranh văn hóa chung của đất nước. Những ngôi nhà sàn của người Thái trắng không chỉ là nơi sinh sống mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, là di sản sống động chứa đựng tri thức, tín ngưỡng và tinh thần dân tộc.

Kỷ lục Việt Nam này, không chỉ tôn vinh những nỗ lực bảo tồn di sản mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng, giúp Mường Lay vươn xa hơn trong việc quảng bá văn hóa độc đáo của mình và khẳng định giá trị trường tồn của nhà sàn truyền thống trong đời sống cộng đồng người Thái trắng.

Một số hình ảnh Nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng ở Mường Lay:

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
      Thư viện nhạc
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 1.199.645
      Online: 51