Năm 2012, thị xã Mường Lay bước sang năm thứ 7 thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và năm thứ tư người dân ổn định ở nơi ở mới. Nơi ở mới có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên xuất phát từ việc phải nhường diện tích đất sản xuất cho lòng hồ nên sản xuất nông nghiệp của nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi gia súc. Đàn gia súc của thị xã giảm nhiều về số lượng. Chính vì vậy, công tác duy trì, bảo vệ, chăm sóc đàn gia súc hiện có được ngành chức năng và người dân thị xã hết sức quan tâm
Sau khi thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, hầu hết các hộ gia đình tại thị xã Mường Lay bị mất đất sản xuất hoặc đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Tình trạng này, không những ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây lương thực mà còn gây nhiều khó khăn cho chăn nuôi. Tổng đàn gia súc của thị xã sau tái định cư chỉ còn khoảng trên 5.000 con. Mặc dù số lượng đàn gia súc giảm mạnh nhưng đối với một địa phương chỉ có gần 1.000 hộ nông nghiệp thì đây vẫn là một khối tài sản lớn. Đầu năm 2011, thời tiết khắc nghiệt kết hợp với dịch lở mồm long móng đã làm chết trên 200 con trâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi thị xã. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông vẫn là nhiệm vụ được các ban, ngành chức năng thị xã ưu tiên hàng đầu.
 |
Tổng đàn gia súc của thị xã Mường Lay sau tái định cư chỉ còn khoảng trên 5.000 con |
Trong thực tế, sau tái định cư nhiều hộ gia đình vẫn tập trung vào phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn. Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên đảm bảo cho chăn nuôi ngày càng khan hiếm. Diện tích trồng các loại rau cung cấp cho đàn gia súc như rau lang, rau bon giảm mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới việc cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Ví như với cây chuối, trước đây người chăn nuôi có thể tự đi lấy chuối tại các triền núi ở gần nhưng do khai thác quá mức chuối tự nhiên nên đã bị cạn kiệt. Hiện nay, nhiều người dân dùng thuyền đi lấy chuối về bán lại cho người chăn nuôi với giá từ 10 - 15 nghìn 1 cây.
Nguồn thức ăn cung cấp cho đàn gia súc giảm cũng gây ảnh hưởng tới việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông. Thiếu thức ăn, sức chống chịu của gia súc trước thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh giảm. Trong bản Dự án quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân đến năm 2020 trên địa bàn thị xã Mường Lay đã đề cập đến việc quy hoạch khoảng 90ha trồng các loại rau xanh làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, trước khi diện tích trên được quy hoạch, trước mắt thị xã Mường Lay cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân có nhiều phương án đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc như: Dự trữ rơm, cỏ khô, các loại rau củ quả. Đồng thời, chủ động dự trữ thức ăn tinh như: Ngô, cám...
Ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, thực hiện các biện pháp bảo vệ gia súc trong mùa đông như: Che chắn, gia cố lại chuồng trại, không thả rông gia súc... Thị xã Mường Lay chỉ đạo Trạm thú y thị xã triển khai tiêm phòng định kỳ đầy đủ, phòng tránh dịch bệnh trên đàn gia súc. Trong vụ xuân hè, trạm thú y đã tổ chức tiêm 3 loại vắc xin tụ huyết trùng, nhiệt thán, lở mồm long móng cho trâu, bò được 3.000 liều; tiêm vắc xin tụ huyết trùng lợn, vắc xin dịch tả lợn được 5.000 liều. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng được 2.500 hộ gia đình thuộc 62 tổ bản.
Theo đánh giá của ngành chức năng, xã Lay Nưa có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển đàn gia súc so với 2 đơn vị hành chính còn lại là phường Na Lay và Sông Đà. Theo số liệu của UBND xã Lay Nưa, trong 2 năm 2011 và 2012, đàn trâu bò của xã ổn định ở mức trên 1.000 con, đàn lợn 2.000 con. Tuy nhiên, để phát triển đàn gia súc về số lượng đang là một bài toán khó khi bãi chăn thả và vùng cung cấp thức ăn chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp. Trước mắt, trong khi chờ quy hoạch chung của thị xã, UBND xã chủ trương vận động bà con nhân dân bảo vệ, duy trì đàn gia súc, đặc biệt trong mùa đông tránh trâu bò bị chết, gây thiệt hại không đáng có về kinh tế.
Kinh nghiệm cho thấy, mùa đông vài năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp, thường có nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng trực tiếp tới đàn gia súc. Trong khi đó, người dân tại các thôn, bản trên địa bàn xã lại tỏ ra khá thờ ơ với việc bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông. Chính vì vậy, để hạn chế những thiệt hại trong mùa đông năm nay, ngoài việc tiếp tục triển khai tiêm phòng cho gia súc trong vụ đông. Xã Lay Nưa đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phòng, chống rét cho gia súc như: Dự trữ thức ăn đầy đủ, không thả rông gia súc, có biện pháp che chắn, sưởi ấm cho trâu bò khi nhiệt độ xuống thấp...
 |
Hiện nay, nhiều gia đình ở thị xã Mường Lay đã biết dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông |
Trâu bò vốn là tài sản lớn đối với người nông dân. Tài sản ấy càng quý giá hơn khi đất sản xuất bị thu hẹp, đó sẽ là kế sinh nhai, là nguồn vốn để người nông dân phát triển kinh tế theo hướng mới. Khi trâu bò bị chết do rét, do dịch bệnh dù được sự hỗ trợ của Nhà nước, thiệt hại đối với người dân vẫn là rất lớn. Bài học từ vụ rét cuối năm 2010, đầu năm 2011 vẫn còn hiển hiện. Gia đình chị Phạm Thị Mến, bản Ho Cang, trong 2 vụ rét gần đây, vụ nào gia đình chị cũng có trâu bị chết hoặc bị mắc bệnh. Trâu chết gây thiệt hại lớn tới kinh tế gia đình, rút kinh nghiệm từ những vụ rét trước, trong năm nay gia đình chị đã chuẩn bị hai nhà rơm khô cho đàn trâu của gia đình. Chị Mến cho biết: Đàn trâu của gia đình đều là trâu trưởng thành nên tranh thủ bà con mới thu hoạch xong gia đình đã thả ra đồng để tranh thủ lượng thức ăn xanh. Khi tới mùa đông sẽ nhốt tại chuồng mới tu sửa, che chắn để đảm bảo trâu không bị bệnh, bị chết như mọi năm.
Rời khỏi gia đình chị Mến, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lường Thanh Thiết cũng ở bản Ho Cang. Từ trước đến nay, gia đình anh là một trong số ít những hộ không có trâu bị chết rét, chết dịch trong bản. Gia đình anh hiện có 6 con trâu. Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ đàn trâu trong mùa đông anh Thiết cho biết: Ngoài việc thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ cho đàn gia súc để tăng sức đề kháng chống chịu cho gia súc thì việc chuẩn bị, dự trữ nguồn thức ăn hết sức quan trọng. Những ngày đông giá rét kéo dài khi không có thức ăn xanh thì thức ăn dự trữ như cỏ, rơm khô là nguồn thức ăn chủ yếu. Ngoài ra, cần bổ sung thêm thức ăn tinh như ngô, sắn, thậm chí là nấu cháo cho trâu, đặc biệt là nghé con. Ngay trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 này, thời tiết chưa chuyển lạnh nhưng gia đình anh đã giữ trâu mẹ và nghé con ở nhà để đảm bảo chăm sóc và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ nhất, tăng sức chống chịu trước khi bước vào mùa đông.
Do nhiều yếu tố đặc thù sau tái định cư, thị xã Mường Lay đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển đàn gia súc. Về lâu dài, thị xã vẫn xác định chăn nuôi là một trong những hướng phát triển giúp nhân dân tái định cư ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, triển khai quy hoạch vùng cung cấp thức ăn cho đàn gia súc... thị xã cần tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn gia súc hiện có, đặc biệt là trong mùa đông sắp tới. Hy vọng với những biện pháp đã và đang được triển khai nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc trong mùa đông năm nay, nông dân thị xã Mường Lay sẽ không còn phải chứng kiến gia súc của mình chết vì đói, vì rét, vì dịch bệnh như những năm trước./.
Theo dienbientv.vn