Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử tổng hợp Phường Mường Lay

Mặc dù được hỗ trợ sản xuất và đời sống theo chính sách trong thời gian nhất định nhưng khi các khoản hỗ trợ kết thúc, đất sản xuất vẫn là tư liệu cần thiết hơn bao giờ hết đối với người nông dân vùng tái định cư thị xã Mường Lay. Đứng trước những khó khăn do thiếu đất sản xuất, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã đoàn kết nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm khai thác triệt để tiềm năng về đất đai hiện còn. Điển hình như xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay

Gia đình bà Lò Thị Dực ở bản Bắc 1 xã Lay Nưa có hơn 1.500m2 đất trồng lúa trong vùng bán ngập. Rút kinh nghiệm từ những vụ sản xuất trước, vụ chiêm xuân năm nay, gia đình bà Dực chủ động lúa giống ngay từ rất sớm để sau khi nước rút gia đình bà Dực bắt tay vào làm đất và xuống giống gieo trồng. Mặc dù so với lịch thời vụ là sớm nhưng việc triển khai gieo cấy sớm sẽ tránh được thiệt hại khi lòng hồ tích nước. Nhờ việc chủ động trong gieo trồng mà gia đình bà Dực đã không chỉ khai thác tốt diện tích đất hiện còn mà có thể tranh thủ luân canh thêm được một vụ rau, cải thiện thu nhập cho gia đình.

\\"vdv\\"

Hơn 36ha đất sản xuất của nhân dân 3 bản: Bắc 1, 2 và bản Ổ nằm trong vùng bán ngập đã được khai thác triệt để, không có tình trạng đất bị bỏ hoang

Bà Lò Thị Dực cho biết: “Trước đây nhà tôi có hơn 3.000m2 đất trồng lúa, nay đã mất đi một nửa, thiếu đất sản xuất gia đình gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thiếu lương thực phục vụ cho sinh hoạt mà còn khó khăn trong chăn nuôi. Hiện diện tích đất còn lại của gia đình lại nằm trong vùng bán ngập, nếu không chủ động gieo trồng sớm thì mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, thiếu đói là khó tránh khỏi, nên phải gieo trồng sớm mặc dù biết sẽ không năng suất như mong muốn.”

Cũng như gia đình bà Dực, hơn 200 hộ gia đình khác thuộc các bản: Bắc 1, 2 và bản Ổ, cũng đã chủ động sớm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để ngay sau khi nước rút đến đâu thì làm đất trồng lúa đến đấy, do diện tích nằm trong vùng bán ngập, hệ thống mương phai dẫn nước tưới tiêu chưa đáp ứng, nên một phần diện tích đất trồng lúa vẫn bị thiếu nước. Trên những diện tích thiếu nước, các hộ nông dân đã vận động nhau chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, đậu tương và rau. Gia đình bà Khoàng Thị Ái ở bản Bắc 1, có diện tích đất trồng lúa rộng hơn 2.000m2 nằm trong vùng bán ngập nhưng có gần một nửa số diện tích của gia đình bà phải chuyển sang trồng cây màu, do thiếu nước tưới.

Hơn 36ha đất sản xuất của nhân dân 3 bản: Bắc 1, 2 và bản Ổ nằm trong vùng bán ngập, mỗi năm nông dân chỉ sản xuất được một vụ lúa. Rút kinh nghiệm qua những vụ sản xuất trước, các bản đã vận động nhân dân chủ động làm đất với phương châm \\"nước rút đến đâu cày bừa ngay đến đấy\\", đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của thị xã chủ động cung ứng các loại giống để nhân dân kịp thời gieo trồng, nên 100% số diện tích nằm trong vùng bán ngập đều được khai thác triệt để, không có tình trạng đất bị bỏ hoang.

Bên cạnh việc vận động nhân dân khai thác tốt diện tích đất hiện còn, đưa các giống cây trồng phù hợp vào luân canh tăng vụ, các bản đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của xã, tập trung hướng dẫn nhân dân về quy trình, kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi nhằm từng bước tăng năng suất cây trồng. Từ việc áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng đã được nâng lên rõ rệt, hiện năng suất lúa ruộng của xã đạt trung bình trên 50tạ/1ha, tăng hơn 10tạ/1ha so với năm 2011.

\\"nb\\"
Bản Ho Cang có hơn 1ha đất trồng lúa được nhân dân chuyển sang trồng rau, củ các loại, mỗi năm cho thu hoạch hơn 10 tấn rau xanh cung cấp ra thị trường

Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng thôn, bản xã Lay Nưa đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Tại bản Ho Cang nhiều hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Gia đình bà Lò Thị Nhín có 800m2 đất trước đây trồng lúa nay chuyển sang trồng đỗ, bắp cải, rau muống và các loại rau thơm. Theo bà Nhín thì việc chuyển đổi sang trồng rau thu nhập tăng gấp 10 lần so với trồng lúa, nhờ trồng rau đã giúp cuộc sống gia đình bà cải thiện rõ rệt.

Hiện tại bản Ho Cang có hơn 1ha đất trồng lúa được nhân dân chuyển sang trồng rau, củ các loại. Mỗi năm trên diện tích này đã có hơn 10 tấn rau xanh cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân. Các giống rau cũng đã được chuyển đổi trồng phù hợp với từng mùa vụ khác nhau, do đó đã không chỉ cho năng suất cao mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay nhiều hộ gia đình trong bản đã mở rộng diện tích trồng rau lên hàng nghìn mét vuông.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, trên các diện tích đất thuận lợi về nguồn nước, nhân dân đã mạnh dạn vay vốn để đào ao nuôi cá giống và cá thịt. Gia đình ông Lò Văn Tắn, bản Ho Cang là một trong số những hộ gia đình có mô hình nuôi cá thịt, cá giống lớn nhất bản. Mỗi năm gia đình ông Tắn xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn cá thịt các loại và hàng vạn con cá giống, phục vụ nhu cầu nuôi cá trong khu vực và đáp ứng nhu cầu nuôi cá đến các địa phương lân cận. Ông Tắn cho biết: Mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ nuôi cá là trên 100 triệu đồng, nguồn thu này không những giúp gia đình ông thoát khỏi khó khăn mà còn vươn lên là một trong số những hộ gia đình có mức sống khá của xã Lay Nưa.

Trong điều kiện đất sản xuất bị thu hẹp, cấp ủy, chính quyền xã Lay Nưa đã vận động nhân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất để đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng diện tích cây màu vụ đông, đặc biệt là các mô hình trồng rau an toàn để tăng thu nhập, từng bước đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Cùng với đó, để người dân sản xuất ổn định, lâu dài, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm./.

                                                                                                   Theo dienbientv.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 1.314.661
Online: 31