Nằm cách trung tâm thị xã Mường Lay khoảng 12 km về phía Tây, có độ cao 1.260m so với mực nước biển, khu di tích lịch sử Pú Vạp là một trong những địa điểm ghi lại dấu ấn tội ác của Thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên - Lai Châu. Đồng thời, di tích còn thể hiện sự thất bại trong chính sách cai trị của Thực dân Pháp, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng cộng sản cho các thế hệ tiếp bước cha anh để xây dựng, bảo vệ đất nước.
Theo người dân tộc Thái bản địa, Pú Vạp có nghĩa là đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, là một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao, trước mặt là sông rộng. Năm 1948, khu nghỉ dưỡng Pú Vạp được vua Thái Đèo Văn Long nắm quyền cai trị vùng đất Tây Bắc dưới sự bảo hộ của Pháp cho xây dựng. Đây là nơi giải trí, tiêu khiển của bọn thống trị, đồng thời là nơi giam cầm, tra tấn những người hoạt động yêu nước, chống lại thực dân Pháp.
Qua lời kể của bà Lò Thị Chăm, sinh năm 1933 - bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, là một trong những thành viên múa xoè do Đèo Văn Long tuyển chọn kể lại rằng: “Đội múa xoè có 12 người, là các cô gái Thái bản địa, thường xuyên phục vụ Đèo Văn Long và các quan khách khi có nhu cầu; mỗi lần xòe khoảng 3-4 tiếng đồng hồ; mở màn là bài xoè “chào” ra mắt khách, tiếp đến là xòe khăn, “xòe vi” hay còn gọi là xòe quạt rồi đến xòe nón...”. Các bài xòe thường dùng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái như “pí kểu” và “tính tẩu” làm nhạc đệm và sử dụng hai nhạc công. Tiếng “tính tẩu’’ lúc nhặt, lúc khoan như quyện và bện với những động tác lướt chân, vẫy khăn và nón chào quan khách. Những cô gái với đôi chân trần quanh năm lên nương nhưng vẫn trắng nõn nà, uyển chuyển linh hoạt trên sàn như đang bay cùng với tiết tấu của nhịp điệu tính tẩu. Trái với nhiều người ở ngoài nghĩ, rằng ở khu nghỉ mát các cô gái Thái trong đội xòe sẽ được ăn ngon, mặc đẹp có cuộc sống sung sướng, nhưng thực tế để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của Đèo Văn Long và những quan khách, họ đã phải chịu nhiều khổ cực. Nhất là những lúc Đèo Văn Long bắt họ phải múa xòe trên nền sàn nóng rẫy, được tạo ra bằng cách khoét một lỗ ở nơi góc sàn gỗ lim lót sắt, rồi đổ dầu vào đốt. Khi nhiệt truyền lan khắp sàn gỗ, mặc dù chưa tới mức bỏng, nhưng cùng đủ làm khó cho những bàn chân trần nõn nà của các cô gái Thái. Đèo Văn Long quan niệm, người múa đẹp trên nền đó mới là người xòe giỏi, tiết tấu nhịp độ phải nhanh. Chưa hết có khi có khách quý Đèo Văn Long còn đổ thứ dầu trơn nhẫy lên mặt sàn để các cô gái Thái thể hiện hết tài năng múa xòe. Để múa được trên nền trơn đó họ phải trải qua một thời gian dài kiên trì khổ luyện khéo léo và không ít lần bị trượt ngã. Ngoài ra để tạo thú vui Đèo Văn Long còn tổ chức hút thuốc phiện, đánh bạc cho quan khách tại đây.
Khu nghỉ mát Pú Vạp được xây dựng trên một đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, có vị trí tương đối bằng phẳng, thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc cổ của người Pháp với hai dãy nhà ngang, ba gian kiên cố chia thành hai khu riêng biệt, cách nhau khoảng 1km. Vật liệu để xây dựng là gạch vồ, đất nung, mái lợp và đá xẻ ngũ sắc. Xung quanh là đồi núi, có nhiều cây cối, hoa rừng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Qua dòng chảy thời gian và thiên biến của lịch sử, khu di tích lịch sử Pú Vạp không còn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu; tuy nhiên, với những gì còn sót lại cùng sử sách, tư liệu lưu truyền và nhân dân kể lại, Pú Vạp chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Để đến được Pú Vạp, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy trên con đường gấp khúc, uốn lượn. Trên đường đi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, kỳ thú của núi rừng, mây trời Tây Bắc và ngắm nhìn bản làng dân tộc Mông quần tụ, nép mình bên sườn núi. Đặc biệt, khi lên gần tới đỉnh Pú Vạp, du khách có thể ngắm trọn toàn cảnh thị xã Mường Lay.
Đến với di tích lịch sử, khách tham quan như đọc được cuốn sử ghi chép về những con người, những sự kiện tiêu biểu, được cảm nhận một cách chân thực về lịch sử.
Di tích Pú Vạp đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh Pú Vạp theo Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 10-01-2018 về xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Pú Vạp - Phường Sông Đà và xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên./.