Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

Cũng như các dân tộc khác, phong tục cưới xin của người Thái trắng ở Điện Biên là một trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời mỗi người. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mang lại cho cuộc sống sau hôn nhân của họ rất nhiều đổi thay. Cùng với sự phát triển của xã hội, các nghi thức cưới cổ truyền cũng có nhiều thay đổi song vẫn chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống

Phong tục cưới xin của người Thái trắng Điện Biên có sự khác biệt tại các điểm dân cư khác nhau nhưng cơ bản bao gồm các nghi lễ như: lễ dạm hỏi, ăn hỏi và lễ cưới chính thức.

Lễ dạm hỏi được tiến hành sau khi trai gái tìm hiểu nhau được gọi là \\"pay giam căn\\" (đi thăm hỏi nhau). Mục đích của lễ dạm hỏi là hai gia đình làm quen và cũng là tỏ ý đồng thuận cho đôi trai gái được lấy nhau và cuối cùng là họ thống nhất chọn ngày ăn hỏi. Khi đi dạm hỏi nhà trai chỉ mang theo chút quà cáp và một thủ tục không thể thiếu đối với chàng trai khi đi dạm hỏi đó là xin danh sách họ hàng nhà gái để tới xin phép đồng ý cho chàng trai cưới cô gái.  Chàng trai lần lượt đến từng gia đình họ hàng của cô gái, quỳ lạy và xin phép được cưới hỏi cô gái.

Lễ ăn hỏi trong tiếng Thái trắng là “kin lẩu khửn khơi”. Lễ ăn hỏi là hình thức tổ chức buổi họp mặt hai bên gia đình trai gái để bàn bạc, qua đó nhà gái sẽ đưa ra những yêu cầu để tiến hành trong đám cưới như thách cưới, ở rể và các yêu cầu khác. Sau lễ ăn hỏi cùng với quan hệ thông gia, cha mẹ và con cái đôi bên anh em ruột thịt, họ hàng cũng được chuyển đổi cách xưng hô mới theo quan hệ gia đình. Lễ vật trong lễ ăn hỏi là: 2 con gà (1 trống, 1 mái); 2 chai rượu; một ít  gạo nếp, gạo tẻ.

Sau khi lễ ăn hỏi diễn ra suôn sẻ lễ cưới chính thức được tiến hành. Lễ cưới của người Thái trắng gọi là “pú xưa”  được tổ chức ở cả nhà trai và nhà gái vào hai thời điểm khác nhau:

Lễ cưới bên nhà gái được tổ chức linh đình và trịnh trọng bao gồm nhiều nghi lễ như: nghi lễ cúng tổ tiên, tạ ơn nhà ngoại, trải chăn đệm.

Nghi thức đầu tiên đó là nghi thức cúng gia tiên, báo với tổ tiên là con (cháu) đã lập gia đình và mời các cụ về hưởng lễ của nhà trai và nhận rể. Lễ này được làm ở gian thờ (\\"hoóng\\"), lễ vật gồm  có lợn, gà, cá sấy, trầu cau, rượu… Sau khi cúng gia chủ gọi cô dâu chú rể đến lạy, lạy 3 lạy và kể từ lúc này họ đã thành vợ chồng, thành con thành cháu trước sự chứng giám của tổ tiên.

Sau lễ cúng gia tiên, chú rể tiến hành lễ lạy pú gia, aỉ ý, họ hàng nội ngoại của cô dâu. Lễ này nhằm tạ ơn ông bà, cha mẹ... đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu nên người và cũng là  mong ông bà, cha mẹ nhận mình là người trong gia đình.

Trong khi khách khứa ăn uống vui vẻ thì gia đình tiến hành nghi lễ trải chăn đệm. Nếu lễ trải chăn đệm của người Thái đen nhất thiết phải có 4  chăn, 4 đệm, 4 gối trở lên thì ở người Thái trắng chỉ cần 2 cái chăn, 2 đệm, 2 gối. Bà con ở đây còn có một mẹo nhỏ mà họ tin rằng làm như vậy đôi vợ chồng trẻ sẽ hạnh phúc hơn đó là khi trải chăn đệm xong, họ lấy hai chiếc áo (một của cô dâu, một của chú rể) úp lên nhau, áo của cô dâu úp lên áo của chú rể. Họ cũng lấy tay phải của hai chiếc áo buộc vào với nhau, rồi đặt dưới đệm, ba ngày sau lấy hai chiếc áo này ra cho cô dâu và chú rể mặc trong cả ngày hôm đó.

Lễ cưới bên nhà trai được tổ chức sau khi chàng rể kết thúc thời ở rể của mình, lễ cưới bên nhà trai bắt đầu bằng nghi lễ đón dâu. Sau khi xin phép nhà  gái và nghe bà mối hát dặn dò, chú rể được phép đón cô dâu về nhà mình. Cô dâu khi về nhà chồng không mang theo khung cửi, khăn piêu như người Thái đen mà  được mẹ đeo cho một \\"coóng khẩu\\" trong đó có đầy xôi và có một cái đùi gà, đội 1 chiếc nón lên đầu và đưa cho một cái ghế mây. Những thứ này cô gái phải mang theo mình trong suốt hành trình từ nhà mẹ đẻ sang nhà chồng, xôi để ăn khi đói, ghế mây để ngồi khi nghỉ dọc đường.

Cô dâu về tới nhà chồng được mẹ chồng đón và nghi lễ cúng gia tiên được bắt đầu và tiệc cưới được tổ chức.

Lễ lại mặt được tiến hành sau khi lễ cưới chính thức bên nhà gái được  ba ngày, khi về lại nhà vợ chồng trẻ mang theo chút quà cáp thể hiện sự quan tâm và biết ơn nhà đình nhà ngoại.

Như vậy có thể nói phong tục cưới xin của người Thái ở Điện Biên thực sự trở thành sinh hoạt văn hoá truyền thống, qua đó phản ánh một phần tinh thần lạc quan, yêu đời, quan niệm về hạnh phúc, đạo làm người của bà con. Đây còn là dịp các thành viên trong  gia đình được gặp gỡ giao lưu với nhau, đặc biệt là dịp diễn ra các hoạt động văn hoá thu hút sự tham gia của đồng bào ở những vòng xoè, múa hát cùng tiếng trống, tiếng sáo... hát đối đáp giao duyên, những bài hát tiễn con đi làm dâu.

                                                                                   Theo svhttdldienbien.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 979.099
Online: 14