Thực hiện văn bản số 1586/BVHTTDL-DSVH ngày 24/5/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ngày 08/6/2012, UBND tỉnh Điện Biên có Công văn số 893/UBND-VX, giao Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, gửi Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch
Được biết, trong số 12 loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch yêu cầu lập hồ sơ đợt này, có “Nghệ thuật Xòe Thái” Tây Bắc - Đây là quê hương sinh tụ lâu đời của hơn 30 dân tộc thiểu số anh em, có truyền thống văn hoá đa dạng, đặc sắc và giàu bản ngã. Tại đó, điệu xoè Thái trở thành nét văn hoá đặc trưng, là “tài sản” chung của nhiều dân tộc. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hồi tỉnh Lai Châu (cũ) nói riêng và khu Tây Bắc nói chung còn chìm trong đêm dài tăm tối, thì vùng Mường So của huyện Phong Thổ và châu Mường Lay (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), đã nổi tiếng là xứ sở của những vũ điệu nghiêng ngả núi rừng.
Xét theo hình thức tổ chức, xoè có nhiều loại; sớm nhất, đơn giản và phổ biến nhất là xoè vòng (xoé voóng). Đây là lối múa tập thể, số người tham gia không hạn chế, không phân biệt già hay trẻ, gái hay trai, dân tộc này hay dân tộc kia, ai ai cũng có thể xoè, càng đông người vòng xoè càng rộng, không khí càng thêm náo nhiệt. Nếu số người chơi nhiều lên nữa, hội xoè được thiết kế thành các vòng tròn đồng tâm, “tâm” được xác định bởi một hũ rượu cần hoặc một đống lửa (nếu vào ban đêm). Khi ấy, vòng xoè này vận động theo chiều kim đồng hồ, thì vòng xoè kia vận động theo hướng ngược lại. Tuỳ theo tính chất của từng cuộc vui, nếu là vòng xoè đám cưới hoặc tiệc mừng nhà mới chẳng hạn, về cuối xoè vòng có thể tách ra thành xoè cụm, xoè nhóm hoặc xoè đôi. Lúc này, âm nhạc đột ngột chuyển tiết tấu, động tác múa cả tay lẫn chân cũng có những thay đổi tương thích linh hoạt và uyển chuyển, đòi hỏi cầu kỳ và phức tạp hơn nhiều so với xoè vòng tập thể.
Một trong những yếu tố làm nên hội xoè và cũng để phân biệt xoè với các hình thức múa dân gian khác, đó là âm nhạc. Nói cách khác, âm nhạc là phần tất yếu của múa xoè, giúp xoè có những dấu hiệu khu biệt trong sự phong phú của đời sống ca múa Thái. Trước kia, vòng xoè thường bắt đầu bằng một bài hát. Một người cất tiếng hát, sau đó mọi người cùng múa theo nhạc. Thông thường dàn nhạc gồm một trống cái, một cồng và một chiêng, trong đó chiêng đóng vai trò giữ nhịp. Những lúc cao trào, chính các nhạc công cũng nhún nhảy với những động tác tinh nghịch, dí dỏm và tuỳ hứng. Với loại vòng xoè trình diễn, có lúc đang rất sôi động bỗng nhịp nhảy chậm dần, chậm dần; rồi một giọng lĩnh xướng thánh thót cất lên, mọi người đồng thanh ca theo. Trong trường hợp này, múa xoè kết hợp với hát gọi (khắp chiêu) và hát thơ (khắp xư). Thơ xoè không quá gò bó về niêm luật, chỉ cần lưu ý một chút về dấu giọng, lượng chữ của một câu thơ xoè thường kết thúc bằng số lẻ (5, 7, 9, 11, 13...). Với những cuộc vui kéo dài và mang đậm yếu tố trữ tình, dàn nhạc xoè thường có sự góp mặt của cây tính tẩu.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dưới bàn tay của các biên đạo múa, xoè được chỉnh lý và dần hoàn thiện, nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn. Cùng với các biên đạo múa, các nhạc sĩ cũng nhanh chóng vào cuộc, góp phần đưa vòng xoè không chỉ vượt ra ngoài sân chơi làng bản, mà còn được tôn vinh trên sân khấu hiện đại. Mỗi điệu xoè có một bản nhạc riêng với khúc thức hoàn chỉnh, thường nhịp 2/4, có một số điệu được chuyển thành khí nhạc. Với vòng xoè trên sân khấu biểu diễn, tính tẩu có thể 2 dây hoặc 4 dây, tuỳ theo đệm cho múa hay đệm cho hát để lên dây theo quãng 4 đúng hoặc quãng 5 đúng. Cách đây tròn 60 năm (1952), trong chương trình Liên hoan Thanh niên thế giới tổ chức tại Béclin (Cộng hoà dân chủ Đức), nghệ sĩ múa Phương Thảo của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, là người đầu tiên giới thiệu điệu xoè nón Mường Lay với bạn bè quốc tế. Người có công cải biên và thổi hồn cho điệu múa này là Nghệ sĩ Nhân dân, đại tá Đỗ Minh Tiến - một nhạc sĩ quân đội tài năng và nhiều tâm huyết với nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Tây Bắc.
Trong cuốn “Giáo trình Văn học Thái” xuất bản tháng 01/1995, của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc), cho biết: Năm 1968, Sở Văn hoá Khu tự trị Tây Bắc đã sưu tầm được 36 điệu múa dân gian Thái, trong đó có múa xoè. Điều ấy có nghĩa ngoài múa xoè, vốn dân vũ Thái còn tới 35 điệu múa khác và theo chỗ tôi biết, có những điệu rất đẹp về tạo hình, rất giàu về ngôn ngữ biểu cảm, như: Múa Chương Han, múa sạp, múa nón, múa quạt, múa hái bông, múa kếp phắc (múa hái rau)... Đi cùng với đó là các bài khắp (hát) có âm nhạc làm nền và thật diệu kỳ, giai điệu trữ tình của nó có khả năng quyến rũ ngay cả những người hoàn toàn không biết tiếng Thái.
Đấy là những điệu múa được đúc kết nhuần nhuyễn từ các hoạt động của cuộc sống muôn màu, mô phỏng những bước thiên di đầy hiểm nguy và khó nhọc của tổ tiên trong quá trình chinh phục những vùng đất mới, trước kẻ thù, thú dữ và cả thiên nhiên khắc nghiệt. Triết lý về âm dương ngũ hành, về vũ trụ huyền bí vô thường qua thế giới quan con người, được thể hiện một cách trừu tượng nhờ những động tác tạo hình ước lệ. Trong hạnh phúc hôm nay, các thế hệ người Thái càng không thể quên vũ điệu “Tằng xa” với nội dung mô tả kiếp sống lầm than của cha ông ngày trước. Dẫu đạo cụ chỉ là tấm khăn piêu vắt chéo sau lưng, nhưng qua tiếng tính nỉ non ai oán, ta hình dung một tộc người bất khuất muốn đạp bằng những bất công phong kiến, vì một tương lai tươi đẹp ngày mai. “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi...”. Thiết nghĩ, bản thân những ca từ ấy đã quá đủ để trả lời cho câu hỏi: Vì sao điệu xoè trở thành nét văn hoá đại diện cho một nền văn hoá?
Múa xòe ở bản văn hóa Phiêng Lơi (T.P Điện Biên Phủ). Ảnh: Tô Hợp
Ngắm nhìn các điệu múa nón, múa sạp, múa quạt, múa khăn... của dân tộc Thái, chúng ta vui mừng nhận ra ít nhiều mô típ của chất liệu xoè truyền thống, cả trong vũ điệu lẫn trong nhạc điệu. Vòng xoè - một sản phẩm sáng tạo và trao truyền bởi quần chúng lao động - đã thực sự được trả lại cho chính chủ nhân của nó, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hoá của giai cấp công nông. Sau những ngày lao động mệt nhọc, vòng xoè không chỉ giúp người ta tìm lại cảm giác thư thái và hưng phấn; mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, dễ gần nhau hơn. Hiện nay, tại các bản văn hoá - du lịch Thái ở Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, múa xoè đang là một “sản phẩm du lịch” hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước; chẳng những làm phong phú thêm đời sống văn hoá Thái, mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng.
Bằng niềm vui và cả nỗi đau đáu của một người trong ngành, ông Trần Văn Hoa - Trưởng Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên) - nói: “Với việc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch chủ trương trước ngày 31/7/2012, các địa phương phải hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị đưa các loại hình di sản vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng ta hy vọng sẽ thêm một triển vọng chấn hưng căn cơ, cụ thể, hiệu quả và rõ ràng hơn; ngõ hầu để xòe Thái được bảo tồn và phát huy, không chỉ trong cộng đồng Thái và không chỉ trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc”...
Theo baodienbienphu.com.vn