Một lòng thành kính, nhớ về tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng sơ khai, ăn sâu bắt rễ vào nhiều dân tộc và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Tín ngưỡng đó bắt nguồn từ lòng tưởng nhớ những người đã sinh thành dưỡng dục ra mình theo truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”
Mỗi dân tộc lại có một cách thức tưởng nhớ riêng thể hiện rõ nguồn gốc, nhận thức trong quá trình tồn tại, phát triển của dân tộc mình, ngay cả trong cùng một dân tộc tín ngưỡng này cũng có thể có sự khác biệt giữa các dòng họ. Tuy có sự khác biệt song việc thờ cúng tổ tiên của các dân tộc, dòng họ thông thường đều đảm bảo các yếu tố cấu thành bao gồm: không gian thờ, đồ thờ cúng; bài cúng, cách thức cúng.
Đối với người Thái trắng ở bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, phong tục thờ cúng tổ tiên có một số nét đặc trưng riêng phù hợp với quá trình sinh tụ, hoàn cảnh sống, quan niệm sống của dân tộc mình.
* Không gian thờ cúng: đối với người Thái trắng là tộc người có thói quen từ ngàn đời sử dụng nhà sàn làm nhà ở, do vậy cách thức tổ chức không gian thờ cúng tổ tiên trong nhà của họ hết sức khoa học, bao giờ cũng ứng với hai gian vô cùng quan trọng đối với tâm linh của đồng bào đó là gian hoóng (gian thờ cúng) và gian hẩu pính (gian giữa).
Nhà sàn truyền thống của người Thái trắng thường gồm 5 gian: đầu tiên từ cầu thang bên (mang hoong) tức là bên dành riêng cho nam giới lên nhà nhìn thẳng vào là gian hẩu quản (gian khách) được dành chủ yếu cho khách khi đến thăm gia đình, cũng có khi dành cho con gái hoặc khởi quản (tức là người con rể mới về phải ngủ ở gian này trong 2 tháng gọi là thời gian thử thách sau đó mới được chính thức thànhlu khơi (con rể) trong gia đình.
Gian tiếp theo là gian hoóng (một trong hai không gian thờ cúng của người Thái trắng). Kích thước gian này thường không có quy định về chiều ngang nhưng nhất thiết phải đặt vừa mâm cúng và thường thưng ván lửng, có chiều cao từ 1m đến 1,2m. Kích thước và hình thức gian hoóng cũng có sự khác nhau giữa các dòng họ ở bản Mo. Hiện nay ở bản có 8 dòng họ chính là: họ Lò (trong đó chia ra thành họ Lò mo, họ Lò lắc, họ Lò di cư từ Mường Sại - Mộc Châu và họ Lò cải họ), họ Khoàng có 2 họ; họ Thùng (di cư từ Nà Ín, Mường Chà về); họ Phụng; họ Lâm; Điêu Chính (có 2 họ); Điêu Văn; họ Lường.
Họ Điêu Chính giành hẳn một gian riêng cho gian hoóng và gian hoóng này được ngăn cách với gian của gia chủ bằng tấm vách ngăn với ý nghĩa một lòng thành kính tổ tiên muốn giành hẳn một gian để ông bà, tổ tiên khi về vui với con cháu có chỗ ở rộng rãi. Họ Thùng có thiết kế gần giống các họ khác ở bản Mo là từ cầu thang (đay) bên mang hóng là gian khách, tiếp đó là gian hoóng. Gian này có chiều rộng khoảng từ 60cm đến 80cm đủ để vừa mâm cúng khi tiến hành cúng bái tổ tiên. Chiều dài gian hóng phụ thuộc vào chiều dài của ngôi nhà sàn. Các họ còn lại giữa gian hoóng với gian ngủ của gia chủ được thưng ván lửng có chiều cao chừng 1m. Riêng họ Thùng không thưng vách vì theo quy định riêng của dòng họ Thùng di cư từ Nà Ín, Chà Nưa, huyện Mường Chà về thì chỉ có trưởng họ mới được thưng lửng ván, các họ còn lại phải để nguyên nhằm mục đích phân biệt với trưởng họ.
Tiếp đến là gian của gia chủ được gọi là ti ló luông; sau đó là gian giữa gọi là hẩu pính. Gian giữa không dùng để ngủ mà để không, thường được dùng trong những việc trọng đại như: đặt bàn thờ cúng tổ tiên vào dịp tết hoặc để đặt quan tài khi người mất là chủ nhà. Trường hợp gia đình thiếu chỗ ngủ thì chỉ có con gái mới được ngủ gian này.
Gian cuối sát với cầu thang bên nữ gọi là hỏng hử là gian dành cho con trai cả và con dâu cả.
Việc phân chia các gian trong nhà của người Thái trắng bản Mo hết sức có tôn ty, trật tự. Họ không chỉ quy định trật tự sắp xếp của từng gian mà ngay bên trong mỗi gian này cũng có quy định nghiêm ngặt riêng. Đó là con trai bao giờ cũng nằm ngủ gần về phía gian hoóng, ngược lại phụ nữ phải nằm về phía bếp chính trong nhà bên (mang hẩ). Cuối cùng là bếp. Nếu nhà đông người thì được chuyển sang bên phía đối diện nhưng phía đối diện này không có tên gọi cụ thể.
Giữa các gian này người Thái không thưng ván mà họ sử dụng rất nhiều chăn đệm làm vách ngăn, tạo ra khoảng riêng tư cho các cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng mới cưới.
Như vậy có thể thấy qua cách tổ chức các gian trong nhà sàn người Thái trắng bản Mo đã thể hiện vai trò của việc thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh. Họ giành riêng một vị trí quan trọng trong gia đình làm không gian thờ cúng. Điều đó vừa khẳng định ý thức coi trọng tập tục thờ cúng tổ tiên vừa thể hiện quan niệm nhân sinh của họ rằng tổ tiên đã mất vẫn tồn tại ở một thế giới khác và về vui vầy cùng con cháu.
* Đồ cúng: người Thái trắng quan niệm tổ tiên ứng với 3 đời trước so với bản thân, đặc biệt quan trọng là những bậc sinh thành ra mình nên trong gian hoóng gia đình nào cũng đặt 3 bát hương. Nếu gia đình nào còn cả bố và mẹ thì khi dựng nhà chưa làm ngay gian hoóng nhưng phải để trống một khoảng vào vị trí đã định trước. Khi nào bố mẹ mất mới được dựng thưng và sắp xếp nơi này thành không gian thờ cúng. Trước khi lập gian hoóng, mỗi người con trai một nén hương (bắt đầu từ con cả tiếp đó đến những người kế tiếp) để xin phép tổ tiên lập gian hoóng cho bố, mẹ, sau đó phải làm dệt hoóng để nhập hồn bố mẹ về với ông bà, tổ tiên.
Trong gian hoóng phải có một số chén nhất định để rót chè và rượu khi tiến hành các nghi lễ. Phía trên có treo thanh kiếm là vật gia bảo trong gia đình thể hiện sức mạnh không khuất phục trước cái xấu, cái ác, vật bảo vệ dòng họ. Ngoài ra còn có một chiếc túi Thái đặt gia phả của dòng họ trong đó để mọi người biết được gốc gác của mình. Tuy nhiên hiện nay rất ít gia đình còn lưu giữ được gia phả.
Lợn là đồ thờ cúng quan trọng không thể thiếu được trong các tập tục, tín ngưỡng quan trọng cần có sự chứng giám phù hộ của ông bà tổ tiên. Tùy từng nghi lễ mà có thể sử dụng thêm gà, vịt và chó.
*Bài cúng và cách thức cúng: trước đây bản có người làm mo chuyên nghiệp và có bài cúng chung cho nhân dân trong bản. Tuy nhiên hiện nay đã thất truyền nên công việc nhà nào thì nhà đó cúng tùy thuộc vào sự hiểu biết và cách quan tâm của gia chủ. Nếu có công việc lớn ứng với các nghi lễ riêng thì có thể mời thầy mo về để cúng và bài cúng, cách thức cúng do thầy mo quy định.
Việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng tốt đẹp của mỗi dân tộc. Sự khác biệt trong việc thờ cúng tổ tiên của người Thái trắng ở bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay càng cho ta thấy thêm sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa của các dân tộc. Việc kế thừa, gìn giữ tiếp nối của thế hệ mai sau chính là minh chứng hùng hồn về tình cảm, tình yêu và lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên trong việc trân trọng các giá trị truyền thống từ ngàn đời./.
Theo svhttdldienbien.gov.vn