Những ngày tháng 12 này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay đang hồ hởi trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng thị xã Mường Lay (12/12/1953-12/12/2013). Trong không khí vui mừng phấn khởi ấy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thị xã luôn tự hào với những thành tựu đã giành được qua các thời kỳ cách mạng
Trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường cùng với toàn Đảng, toàn dân đứng lên chiến đấu, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ biên giới. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ khi Mường Lay được giải phóng, với biết bao khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó, đồng tâm, hiệp lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được cấp trên giao. Đặc biệt là, từ khi Tỉnh ủy Lai Châu ra Quyết nghị số 282-QN/TU ngày 17/12/1971 về việc thành lập Thị ủy Lai Châu, Đảng bộ thị xã đã tập trung làm nhiệm vụ xây dựng Đảng bao gồm của cả Đảng bộ Dân chính Đảng lúc đó, đồng thời lãnh đạo nhân dân các dân tộc thị xã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra; từng bước kiện toàn tổ chức, chú trọng xây dựng các chi, đảng bộ, đoàn thể chính trị theo từng địa bàn hành chính. Đến năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Đảng bộ thị xã Lai Châu lúc đó bước vào giai đoạn mới, với quyết tâm và nhiệm vụ mới nặng nề và to lớn hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, thị xã đã làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn này, các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị được quan tâm. Tổng sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước. Đời sống nhân dân được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Thị xã xứng đáng giữ vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả tỉnh.
Năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thị xã là một trong những đơn vị đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh: nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, làm kinh tế xuất hiện. Nhiều năm liền thị xã đạt được mức tăng trưởng kinh tế khá, an ninh chính trị được giữ vững, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội ngày càng chuyển biến tốt hơn.
Từ năm 1990 – 2004, thị xã có nhiều biến động: thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp; nặng nề nhất là hai cơn lũ lịch sử năm 1990 và năm 1996 đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng cũng như công sức bao năm dày công gây dựng. Nhân dân các dân tộc thị xã tiếp tục gồng mình khắc phục hậu quả, vượt khó đi lên từng bước ổn định cuộc sống. Năm 1995 tỉnh chuyển các cơ quan đầu não về thị xã Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu không còn là thị xã tỉnh lỵ. Hơn nữa, khi Nhà nước chủ trương xây dựng Thủy điện Sơn La, thị xã trong diện phải thực hiện di dời, tái định cư. Những khó khăn đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thị xã. Thị xã trong tình trạng không ổn định kéo dài. Dân số giảm, cán bộ công chức chưa thật sự yên tâm công tác, nhân dân sống trong cảnh chờ đợi. Trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã lại đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, và sự ủng hộ của các huyện bạn đã nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao đưa thị xã trở lại quỹ đạo ổn định và từng bước phát triển.
Tháng 1/2004, Chính phủ quyết định chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Lai Châu mới và Điện Biên. Thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Điện Biên, nhưng địa bàn hành chính bị thu hẹp chỉ còn 2 phường, dân số giảm, đội ngũ cán bộ tiếp tục xáo động, khó khăn chồng chất, lòng dân chưa yên. Nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền, thị xã vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được củng cố, kinh tế - văn hoá xã hội có mặt được nâng lên; công cuộc xoá đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Đời sống nhân dân thị xã từng bước được nâng lên. Ngày 2/3/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên thị xã Lai Châu thành thị xã Mường Lay”; thị xã có 3 đơn vị hành chính 2 phường, 1 xã, diện tích tự nhiên là 11.238,26ha; 4211 hộ và 15.617 nhân khẩu... Thị xã Mường Lay bước sang một trang mới, vận hội mới và cũng nhiều thách thức mới. Từ năm 2005 trở lại đây, thị xã Mường Lay thực hiện dự án di dân tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La. Đây cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng: “Vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vừa thực hiện di dân tái định cư-tái thiết đô thị”. Trong đó thực hiện di dân tái định cư - tái thiết đô thị được xác định là nhiệm vụ hàng đầu và là chương trình trọng điểm số một của tỉnh Điện Biên. Di dân tái định cư dự án Thuỷ điện Sơn La với thị xã là công việc mới mẻ, phức tạp và chưa có tiền lệ. Trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều bất cập, lúng túng song Đảng bộ thị xã xác định đây cũng chính là thời cơ để quy hoạch, phát triển và xây dựng thị xã nên đã tập trung lãnh đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm phấn đấu thực hiện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện nên công tác di dân tái định cư đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, khai thác tiềm năng thế mạnh để xây dựng thị xã. Trong khó khăn, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nên kinh tế có bước phát triển khá; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng lên; chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Đặc biệt là thị xã đã cơ bản hoàn thành công tác di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La và đang thực hiện xây dựng, tái thiết đô thị loại IV, một thị xã ven hồ với nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút du lịch, dịch vụ, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
60 năm sau ngày giải phóng, 42 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thị xã đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Khi thành lập (năm 1971), thị xã có 7 chi bộ với 72 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ đã có 34 chi, đảng bộ trực thuộc (29 chi bộ và 5 đảng bộ), 58 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, phường với 913 đảng viên. Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thị xã đã minh chứng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã có đủ bản lĩnh và khả năng để vượt qua mọi khó khăn, đứng vững và đi lên xây dựng thị xã giàu đẹp, vững mạnh và phát triển bền vững./.
Theo Baodienbienphu.com.vn