Chiều ngày 23-5, UBND thị xã đã tổ chức tập huấn Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn thị xã Mường Lay cho đại diện các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường; Hiệu trưởng các trường học và chỉ huy các đội nghiệp vụ Công an thị xã, Trưởng Công an các xã, phường trên địa bàn.
Thượng tá Chu Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng cảnh sát QLHC về trật tự xã hội Công an tỉnh triển khai những nội dung cơ bản của Luật Căn cước
Tại Hội nghị các đại biểu được báo cáo viên của tỉnh triển khai Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, Luật Căn cước tập trung vào 10 điểm mới, chính thức đổi tên căn cước công dân thành căn cước; giá trị sử dụng của thẻ CCCD, chứng minh nhân dân đã được cấp; chứng minh nhân dân 09 số hết hiệu lực từ 01/01/2025; bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước; mở rộng đối tượng được cấp thẻ Căn cước; cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi; bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được Quốc tịch; Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử và bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước. Người dân chưa phải đi làm thẻ Căn cước theo mẫu mới mà có thể sử dụng thẻ CCCD, CMND đến hết thời hạn giá trị sử dụng quy định như trên. Cụ thể, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Trường hợp thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Về việc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước đối với học sinh đủ 14 tuổi, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước thì người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ Căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Các đại biểu dự Hội nghị
Theo Luật Căn cước, việc sở hữu và sử dụng căn cước sẽ được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, Luật này cũng đưa ra các quy định cụ thể về việc xử lý thông tin cá nhân, đảm bảo không để xảy ra sai phạm và bảo vệ quyền lợi của công dân; cũng như, việc sử dụng căn cước trong các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công, giao dịch và các hoạt động khác theo nhu cầu của công dân sẽ trở nên thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Có thể khẳng định, với những tiến bộ ưu việt, Luật Căn cước, thẻ Căn cước là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước vào công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, phục vụ công dân số, phát triển nền kinh tế - xã hội số của đất nước. /.