Xưa kia, tại vùng đất Mường Lay, có một cô con gái nghèo, nhà rất đông anh em nên hàng ngày phải lên rừng đào củ sắn, củ mài mang về độn với cơm để ăn qua bữa. Tuy nghèo nhưng cuộc sống anh, chị, em luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.
Thời gian cứ thế trôi đi, đến tuổi lấy chồng, cô gái may mắn được mai mối gả vào một gia đình khá giả. Mẹ chồng rất yêu thương cô nhưng bà lại là người rất kĩ tính. Một hôm, sắp đến ngày giỗ tổ tiên, bà có việc phải đi xa nên dặn con dâu đi đồ xôi giúp bố chồng chuẩn bị mâm giỗ. Do bất cẩn, cô lỡ tay đồ quá nhiều xôi, biết mẹ chồng kĩ tính, cô lo lắng không biết làm thế nào với số xôi thừa, đang loay hoay thì cô chợt nhớ ra hồi nhỏ mẹ cô thường cho ăn xôi độn với sắn, mỗi khi ăn không hết, mấy mẹ con thường cho vào cối giã nhuyễn, sau đó, dùng một ống tre cán thành những miếng tròn như những chiếc bánh đa, rồi để lên những chiếc giá phơi cho se lại và cắt ra thành những miếng nhỏ, phơi cho đến khi khô giòn; cuối cùng, đem lên rán cho mấy anh, chị, em ăn thấy rất ngon. Vì thế, cô quyết định lấy chỗ xôi thừa làm theo cách của mẹ.
Khi cả nhà quây quần bên nhau, cô đem những chiếc bánh rán giòn mời cả nhà ăn và nói với cả gia đình về việc cô nấu thừa quá nhiều xôi để làm mâm giỗ tổ tiên. Tưởng chừng, cô sẽ bị trách mắng, nhưng ngược lại cô được mẹ chồng và cả gia đình chồng hết lời khen ngợi vì món bánh cô làm rất ngon. Mẹ chồng hỏi cô về cách làm bánh và bảo cô đặt tên cho loại bánh thơm ngon này, cô nói: “Bánh này do mẹ cô dạy cô làm từ khi còn nhỏ, nguyên liệu chính từ gạo và củ sắn nên gọi là “Khẩu” và bánh được cắt ra thì gọi là “Xén”, ghép lại được cái tên “Khẩu Xén”.
Về sau, để tưởng nhớ công ơn của mẹ, cô lấy bánh này để thờ cúng tổ tiên và cách làm bánh “Khẩu Xén” được cô truyền dạy lại cho người Thái Trắng khắp vùng Mường Lay. Cũng từ đó, bánh “Khẩu Xén” ra đời, trở thành loại bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên vào mỗi dịp lễ, tết của người người Thái Trắng ở Mường Lay.
Ngày nay, dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Thái, nguyên liệu làm bánh khá đa dạng, dễ kiếm từ sắn tươi cho đến gạo nếp các loại. Hình thức, màu sắc cũng trở nên hấp dẫn vô cùng, từ khuôn hình răng cưa tứ giác, cánh hoa nhỏ xinh với các sắc màu tím, vàng, trắng, sẫm... nhờ đôi bàn tay khéo léo của chị em nơi đây pha chế sắc màu từ gấc và các loại lá cây. Cũng vì thế mà bánh khẩu xén được người Thái Trắng Mường Lay xem là nguồn lương thực dự phòng khi đói bữa giáp hạt cũng như hiện diện trong lễ hội, cuộc sống ấm no. Và khi cuộc sống ngày càng sung túc hơn, thì đối với người dân nơi đây bánh xén vẫn được gìn giữ như để nhớ về quá khứ để biết chắt chiu, chịu khó lao động, sản xuất cho một cuộc sống ấm no hơn và vừa phát triển thành nghề truyền thống để giới thiệu món đặc sản này đến với nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau. Vượt qua địa bàn thị xã, vài năm trở lại đây bánh khẩu xén đã có mặt tại các sạp hàng, siêu thị, đại lý trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và có mặt tại một số nhà hàng đặc sản Tây Bắc ở khắp cả nước./.