Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM
Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử thị xã Mường Lay

\r\n

Theo đó, từ năm 2006 đến nay, thị xã (TX) thực hiện công tác di dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La, nhân dân các dân tộc TX, đặc biệt là dân tộc Thái trắng phải di chuyển từ nơi ở cũ có lịch sử lâu đời, để lên tái định cư tại nơi ở mới tập trung theo quy hoạch. Đời sống khó khăn nên các phong tục tập quán đặc sắc, các giá trị văn hóa phi vật thể một phần bị lãng quên; trong khi đó đa số các giá trị văn hóa vật thể không còn do ngập trong lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ngoài ra nhiều nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng cho các dân tộc đang có chiều hướng bị mai một do điều kiện thời gian, do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và do rất nhiều nguyên nhân khách quan khác.

 \\"\\"

Những khu phố mới ở thị xã Mường Lay. Ảnh: Anh Tuấn

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với các lĩnh vực đời sống xã hội nên thiếu quan tâm, đầu tư cho phát triển văn hóa. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ và nhân dân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự năng động sáng tạo, trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác xã hội hóa văn hóa trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và bảo tồn văn hóa các dân tộc, còn gặp nhiều khó khăn.

Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá tạo nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số; có chính sách và giải pháp cụ thể xây dựng đội ngũ trí thức trong các dân tộc thiểu số; phát hiện bồi dưỡng tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc thiểu số là việc làm ý nghĩa và hết sức cần thiết.

Hiện nay, TX Mường Lay có 9 dân tộc anh em, với những nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng cho từng dân tộc, tạo nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa. Tổng dân số toàn TX trên 11.100 người; trong đó dân tộc Thái chiếm 73,5%, dân tộc Kinh chiếm 18%, dân tộc Mông chiếm 6,6%; còn lại là các dân tộc Dao, Tày, Mường, Hoa... Về địa bàn cư trú: Dân tộc Thái sống thành làng bản dọc hai bên bờ suối Nậm Lay, thích nghi với sở trường trồng lúa nước, dệt vải; người Mông sống trên các đỉnh núi, sườn đồi với nghề canh tác lúa nương, dệt thổ cẩm... Cùng với lịch sử hàng trăm năm, dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc khác tại TX Mường Lay nói chung, có rất nhiều phong tục liên quan đến chu kì đời người (ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ) và phong tục gắn liền với đời sống thường ngày (lên nhà mới, cúng bái, thầy mo, kiêng kỵ, mùa vụ, lễ tết, nhận con nuôi)... Những phong tục đó ngày nay vẫn còn được lưu giữ trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.

\\"\\"

Cầu mưa của người cái ở Mường Lay.

Năm 2011 toàn thị xã có 1.926/2.458 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, đạt 78,3%; có 17/48 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, đạt 36%. Công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa trên cơ sở các tiêu chí cụ thể đã nâng cao chất lượng phong trào, có tác dụng động viên, khuyến khích phong trào phát triển. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc. Vì vậy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Đồng thời, văn bản cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Theo đó, thực hiện công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, toàn bộ các giá trị văn hóa vật thể, bản làng, nhà cửa, cây cối, cảnh quan, đồng ruộng, sông suối... đều ngập dưới lòng hồ; do nhân dân phải di chuyển lên sống trong điều kiện vô cùng khó khăn do phải tạo lập cuộc sống mới, nên các giá trị văn hóa phi vật thể, các phong tục tập quán bị ảnh hưởng, mai một nghiêm trọng. Nhiều năm qua, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số chưa thật sự được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả. Sự đầu tư, hỗ trợ trong thời gian qua còn quá ít và dàn trải. Phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ cho đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gặp khó khăn do thiếu nguồn lực hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn còn hạn chế. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản, thống nhất, chưa được tôn vinh xứng đáng; một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc (nhà cửa, trang phục dân tộc, nghề truyền thống và các món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, lễ hội...) đang đứng trước nguy cơ mai một cần phải gấp rút khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận để bảo tồn, phát huy.

\\"\\"

Trên bến Đà giang. Ảnh tư liệu

Mấy năm qua, Đảng bộ và chính quyền TX đã làm tất cả những gì trong khả năng có thể, vì một trăn trở là dù ở đâu thì người dân cũng phải sống và làm việc. Nếu vậy, vấn đề đặt ra là sống bằng gì và sống như thế nào? Trong số các phương án TX tính tới, có việc tổ chức một ngư trường dưới hình thức HTX thuỷ sản, có thể là theo mô hình liên doanh góp vốn. Sẽ mời các chuyên gia tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, cá bè... và nếu có thể sẽ hình thành các làng nổi chuyên về nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Người dân TX đang dần có cảm giác thích thú với các cụm từ: “Ngư trường Mường Lay”, “Cụm du lịch TX Mường Lay và vùng phụ cận với các sản phẩm du lịch sinh thái sông Đà, du lịch văn hóa - lịch sử - thể thao - giải trí”... Theo đồ án quy hoạch, cầu cảng nằm ở phường Sông Đà - một địa danh chỉ nghe tên đã hình dung ra sóng nước - nơi đồng bào Thái vốn được xem là chủ nhân của “nền văn minh - văn hóa sông nước”. Nói cách khác, nghề sông nước với các nguồn lợi từ lòng hồ, sẽ nhiều khả năng thuộc về đồng bào Thái với những ưu thế tộc người.

Việc triển khai xây dựng Đề án góp phần hoàn thiện thiết chế văn hóa thể thao vùng dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu, ngăn chặn mọi biểu hiện tác động xấu tới các giá trị văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo con em các dân tộc thiểu số có đủ trình độ, năng lực, hiểu biết trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa mới phù hợp; nâng cao trí và lực đội ngũ thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cách đây hơn một năm, lòng hồ Thủy điện Sơn La chính thức tích nước, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chia tay vĩnh viễn “vùng văn hoá nguyên thuỷ” lòng hồ. Các di sản, di chỉ ví dù được tổ chức khai quật, di dời, phục chế một cách chu đáo nhất, tích cực và bài bản nhất, cũng không dám chắc đã hoàn toàn, đã tuyệt đối và tất cả đều không còn cơ hội chuộc lỗi, không còn cơ hội sửa sai. Sau hơn bốn thập kỷ kể từ Quyết định số 189 ngày 8/10/1971 của Hội đồng Bộ trưởng, về việc thành lập TX Lai Châu; giờ đây, dưới cốt nước 215 mét theo thiết kế, thung lũng “sông đuổi” đã nhận vào lòng nó câu chuyện trăm năm, nghìn năm với những tầng tầng văn hóa. Dọc hai bên hồ Mường Lay, đã có một TX tái thiết mang vóc dáng đô thị hiện đại với nhà cao cửa rộng, trên bến dưới thuyền; đồng thời, đang có một TX với các giá trị văn hóa truyền thống dần được khôi phục và phát huy.

                                                                         Theo baodienbienphu.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
Thư viện nhạc
 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 978.602
Online: 59